Thưa Bộ trưởng, ông là người tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là cho hạ tầng giao thông - một trong các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam. Ông nói gì về điều này?

Tôi cho rằng đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam. 

Chúng tôi đã làm việc với Bộ GTVT và thống nhất, báo cáo Thủ tướng, phải đặt mục tiêu đến năm 2025 chúng ta hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau, đây là mục tiêu rất lớn mà chúng ta đặt ra và chúng ta phải làm, chắc chắn sẽ làm được, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thứ hai là đường ven biển cũng mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển, trước tiên tập trung xây dựng hoàn thành toàn bộ đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Các tỉnh miền Trung rất dài, rất hẹp lại có 4 tuyến đường song song thì chúng ta có thể dùng đường cao tốc, quốc lộ 1, đường sắt... do đó có thể làm một số đoạn và một số đoạn để sang 2026-2030.

{keywords}

Cao tốc La Sơn -  Túy Loan (cao tốc Bắc Nam phía Đông nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng). Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn lại toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long từ Tiền Giang xuống Cà Mau, bọc sang Kiên Giang, chúng ta sẽ cố gắng phát triển tuyến đường ven biển chạy bọc kín toàn bộ để các tỉnh này vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có điều kiện để bứt phá và phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Rồi đường nối từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM; cảng biển, cảng hàng không tầm quốc gia, quốc tế, sân bay Long Thành; hạ tầng số... Đối với các địa phương, chúng tôi đề nghị phải theo tư duy này, đầu tư không dàn trải, tập trung vào các dự án mang tính chất lan tỏa, tạo động lực... Nhiều địa phương đang đầu tư rất dàn trải, lãng phí nhiều nguồn lực.

Lập trung tâm tài chính quốc tế  

Có một số dự án phát triển mang tính đột phá ở các địa phương, chẳng hạn như xây dựng trung tâm tài chính khu vực ở TP.HCM. Ông có ủng hộ điều này?

Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là vấn đề rất lớn hiện nay. TP.HCM và Đà Nẵng đã đề cập đến, tôi đề nghị 2 TP cần tập trung lập đề án, bởi nếu lần này không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

Đây là thời cơ vàng, ngàn năm có một để chúng ta có thể thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, vấn đề này tôi đã phát biểu nhiều lần tại TP.HCM rồi, TP.HCM đang quyết tâm thực hiện. Tôi đề nghị phải làm nhanh, thuê tư vấn lập đề án, có các cơ chế, thể chế riêng để báo cáo Bộ Chính trị để sớm hình thành, mang lại cơ hội rất to lớn cho đất nước.

Tôi muốn nêu ví dụ, cách đây 40 năm, đảo quốc Cayman từng rất nghèo khó, nhưng giờ đã trở thành trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cách đây 40 năm, đảo quốc Cayman từng rất nghèo khó, nhưng nay đã trở thành trung tâm tài chính

Cayman trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Ở đó không thu thuế mà thu phí nhưng mỗi ngày thu hơn 300 triệu USD.

Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi? Từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế… Có một điểm đặc biệt là ta nếu lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng thì bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. 

Hiện nay chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế, đấy là cái khe, cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó, đấy là khe rất hẹp mình chen vào đấy. Người ta rời bỏ Hong Kong rồi, các trung tâm khác quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn, người ta đang đi tìm nơi trú ẩn mới. Làm cái này chúng ta mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước, nhưng phải làm ngay.

Nếu một trung tâm nào khác hình thành trước chúng ta thì không còn cơ hội nữa. TP.HCM và Đà Nẵng cần nhanh chóng hơn.

Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới  

Là người phụ trách về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, ông nhìn nhận ra sao về họ?

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, từng bước khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký trung bình trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 63% về số DN và tăng 216% về số vốn so với giai đoạn 2011-2015.

Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). 

Ngày càng có nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn được hình thành và dẫn đầu trong một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Các sản phẩm thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh, các DN muốn lớn mạnh bắt buộc phải vươn ra thị trường quốc tế.

Chúng tôi đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN. Đây là chương trình hết sức thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay. Nếu chúng ta hỗ trợ cho 800.000 DN hiện nay được tiếp cận chuyển đổi số, chắc chắn họ sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó lớn mạnh và đóng góp cho nền kinh tế rất rất lớn. Đây là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới.

{keywords}
Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng

Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN hơn nữa sao cho các DN thích nghi và chuyển đổi trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất; sự phát triển của các học thuyết mới và xu hướng kinh doanh mới.

Để thực hiện các mục tiêu đó, theo ông, cần thay đổi điều gì, nhất là trong tư duy chính sách?

Đây là thời cơ vàng, ngàn năm có một để chúng ta có thể thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, vấn đề này tôi đã phát biểu nhiều lần tại TP.HCM rồi, TP.HCM đang quyết tâm thực hiện.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). 

Cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đại dịch Covid-19 đã cho ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

Từ đó, chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.

Với tư cách là một cơ quan tham mưu tổng hợp, chúng tôi phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… đáp ứng kịp thời nhu cầu nền kinh tế.

Nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và DN khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích DN quan tâm đến đổi mới sáng tạo; xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo.

Tư Giang - Lan Anh

Mục tiêu phát triển là hết sức lớn lao nhưng cũng rất khó khăn

Phần 1: Mục tiêu phát triển là hết sức lớn lao nhưng cũng rất khó khăn

Các mục tiêu phát triển của Việt Nam đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng là rất cao, thể hiện tầm nhìn và khát vọng cháy bỏng.