Chùa Hoằng Pháp nhận kỷ lục là ngôi chùa sản xuất phim nhiều nhất, do Trung tâm Sách kỷ lục VN trao tặng nhân dịp Đại lễ Phật Đản 2013.

 

Hành trình tìm kiếm kỷ lục Phật giáo ở VN vừa kết thúc giai đoạn một bằng việc công bố danh sách 8 kỷ lục Phật giáo vào sáng ngày 16/5. Một trong số các kỷ lục được trung tâm ghi nhận là về ngôi chùa sản xuất phim Phật giáo nhiều nhất.

{keywords} 

 Chùa Hoằng Pháp, nơi đã sản xuất 17 bộ phim về chủ đề Phật giáo.

Trên thực tế, đa phần những bộ phim Phật giáo đang lưu hành tại VN đều chuyển ngữ từ phim của Trung Quốc. Trong khi đó, đất nước ta cũng có rất nhiều bậc danh tăng, nhưng chưa có tăng ni, Phật tử nào phát tâm thực hiện cuộc đời của các Ngài để giới thiệu cho thế giới. Dòng phim về Phật giáoVN do vậy đang là nỗ lực từ phía các chùa trong cả nước.

Với 17 bộ phim đã sản xuất và phát hành, chùa Hoằng Pháp ở huyện Hóc Môn, TP.HCM đạt kỷ lục là ngôi chùa thực hiện nhiều bộ phim về Phật giáo nhất trong những năm qua. Trong số này có tới 7 phim truyện video, gồm “Hổ ly sơn thất thế”, “Chợt tỉnh cơn mê”, “Con gái vua Trần Nhân Tông”, “Lòng lành đổi tướng thay tên”, “Trở lại đường xưa”, “Trưởng giả kén rể”…, kể những câu chuyện theo từng chủ đề của Phật pháp. Ngoài ra, chùa này còn có 4 phim ký sự (Về thăm đất Phật; Vương quốc chùa Tháp…), và 6 phim hoạt hình (Địa tạng vương Bồ tát; Chuyện về nhân quả; Nhất Hưu hòa thượng…).

Chùa Hoằng Pháp do cố hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng chồi. Kế tục sự nghiệp tại chùa Hoằng Pháp là TT. Thích Chân Tính, đệ tử của hòa thượng Ngộ Chân Tử. Những người đứng đầu chùa cho rằng, điện ảnh là một trong những phương tiện rất cần thiết cho việc hoằng pháp trong thời đại ngày nay.

{keywords} 

 Bà Hướng Dương, người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất.

Sự ra đời của các bộ phim về Phật giáo do chùa sản xuất và phát hành không chỉ đáp ứng về mặt tinh thần cho cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước (nhiều phim có phụ đề tiếng Anh). Mà còn cho thấy sự chuyển mình theo nhịp sống đương đại của Phật giáo VN, thông qua việc tận dụng những phương tiện hiện đại để phổ biến con đường tu tập. Khán giả có thể xem những bộ phim này trên trang web của chùa hoặc trên mạng youtube.

Các kỷ lục Phật giáo được công bố trong dịp này còn có: Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM – trường đạo tạo nhiều tăng ni sinh nhất. Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc có tượng Đức Phật Thích ca bằng đá saphire lớn nhất. Chùa Hội An ở Bình Dương có tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất. AVG – Kênh truyền hình sản xuất và phát sóng nhiều chương trình về Phật giáo nhất. Thượng tọa Thích Nhật Từ là người biên tập và biên soạn nhiều kinh sách Phật giáo nhất. Bà Hướng Dương là người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất, và ông Nguyễn Đại Hùng Lộc có bộ sưu tập tem về Phật giáo nhiều nhất.

Minh Chánh