- Vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở
rộng sẽ tạm ngừng tiêm trong 2 tháng để chờ kết quả kiểm định từ Tổ chức y tế
thế giới.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia – ông Nguyễn Trần Hiển – cho biết, đến cuối tháng 6, khi có kết quả kiểm định, Bộ Y tế sẽ đưa ra quyết định tiếp theo đối với việc sử dụng vắc xin này.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, việc tạm ngừng sử dụng không phải do chất lượng vắc xin Quinvaxem “có vấn đề”.
Vắc xin Quinvaxem sẽ tạm ngừng sử dụng trong 2 tháng để tái kiểm định chất lượng |
Dự kiến cuối tháng 6 này sẽ có đầy đủ kết luận về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem của Tổ chức Y tế Thế giới. Khi đó, Bộ Y tế Việt Nam sẽ đưa ra quyết định dùng lại vắc xin này hay thay thế bằng một vắc xin khác.
Các phương án hiện cũng đã được đưa ra để việc tiêm chủng không rơi vào thế bị động.
Theo đó, nếu đến cuối tháng 6, kết quả kiểm định cho thấy không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc xin thì nên sử dụng lại vắc xin Quinvaxem.
Nếu có liên quan thì thay thế bằng vắc xin trong nước như đã sử dụng trước đây là mũi tiêm vắc xin 3 trong 1 (Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván), và mũi tiêm vắc xin Viêm gan B, mà không có thành phần Hib.
Đồng thời về lâu dài cần lập đề án với lộ trình thích hợp trình Chính phủ thay thế bằng các vắc xin khác thế hệ mới có ít phản ứng tại chỗ hơn.
Tuy nhiên, ông Hiến cũng nhấn mạnh: “Không có vắc xin nào là an toàn 100%, sau khi thay thế vắc xin khác có thể vẫn có báo cáo các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng do cơ địa của trẻ và do trùng hợp ngẫu nhiên”.
Theo ông Hiển, việc dừng vắc xin phải dựa trên các bằng chứng khoa học và không làm gián đoạn chương trình tiêm chủng mở rộng, không làm ảnh hưởng đến thành quả của một chương trình được coi là một chương trình y tế có hiệu quả nhất của Việt Nam trong hơn 25 năm qua.
Về thời gian giãn cách 2 tháng, ông Hiển cho biết việc này không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiêm tiếp theo đối với những trẻ đã được tiêm 1 hay 2 mũi trước đó.
Trong thời gian tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem, ông Hiển khuyến cáo các bà mẹ vẫn nên tiếp tục đưa trẻ đi tiêm các vắc xin khác của Chương trình Tiêm chủng mở rộng như vắc xin Viêm gan B mũi sơ sinh, Lao, Bại liệt, Sởi và DPT mũi 4 và theo dõi quyết định tiếp theo của Bộ Y tế về việc sử dụng vắc xin.
Cẩm Quyên