- Hàng ngày có đến hàng trăm xe “hổ vồ” được cơi nới thùng chở quá tải đang “băm nát” những tuyến đường huyết mạch ở Ninh Bình. Qua theo dõi, khoảng thời gian được các tài xế hoạt động nhất vào khoảng 23h30 đến 2h sáng.

LTS: Những con đường vừa làm xong bị 'giết chết' một cách không thương tiếc. Những tai nạn đau lòng do hậu quả từ 'ổ voi', 'ổ trâu', 'con lươn', 'luống khoai' trên quốc lộ. Những mối bất an mỗi khi lưu thông trên quốc lộ. Tất cả đến từ xe quá tải, quá khổ...

Làm gì để ngăn chặn, 'dẹp loạn'?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành cần liên tục kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24h/ngày và 7 ngày/tuần, kiên quyết chấm dứt.

Bộ trưởng GTVT đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm phải cơ bản kiểm soát được xe chở quá tải, bởi nếu không nhiều tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng lại sẽ bị phá hỏng.

Bộ GTVT thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ôtô chở quá tải tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại 31 tỉnh thành trong cả nước.

Đích thân Bộ trưởng, Thứ trưởng và Tổng cục trưởng của Bộ GTVT đã không dưới một lần đi 'bắt' xe quá tải.

Nhưng, trên nhiều tuyến đường, xe quá tải vẫn tìm cách né trạm và hoạt động tinh vi, thủ đoạn hơn. Và những con đường lại tiếp tục bị 'giết' một cách không thương tiếc.

Từ 8/9, VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Xe quá tải giết chết những con đường"...


>> XEM CLIP TẠI ĐÂY

Những “siêu hổ vồ” quá khổ, quá tải…

Theo ghi nhận, các loại xe tải cơi nới hết cỡ nối đuôi nhau hoành hành ngày đêm trên tuyến QL1A đoạn từ Tam Điệp về TP Ninh Bình.

Nhiều xe cơi nới thùng, chở đất đá lên tới 60-80 tấn, trong khi quy định đăng kiểm cho phép tải trọng cả xe và thùng chỉ 20-30 tấn. Các xe chở quá tải này đa phần là xe chở vật liệu xây dựng như đá, xi măng, sắt, thép…

{keywords}
Xe quá tải chạy ngênh ngang trên đường...

Để mục sở thị tận nơi những xe tải này “ăn hàng” và trả hàng, nhóm phóng viên đã có chuyến thị sát vào trong các mỏ đá nằm trên địa bàn huyện Nho Quan.

Tại đây, không khí nhộn nhịp với từng đoàn xe nối đuôi nhau chở đá vào các nhà máy xi măng đóng trên địa bàn. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là hầu hết những chiếc xe này đều được cơi nới phần thùng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Mức cơi nới thấp nhất của các xe này từ 20 đến 30cm, có những xe được cơi lên đến 50cm, thậm chí là 1m.

Ninh Bình là tỉnh có nhiều nhà máy xi măng đóng trên địa bàn, nguồn nguyên liệu được nhập từ các mỏ đá tại Nho Quan, Tam Điệp. Do đó, ở đây xe chở đá từ các mỏ về các nhà máy xi măng và chở clinker từ Nhà máy xi măng Pomihoa, Vicem Tam Điệp chạy suốt ngày đêm.

Sau một thời gian 'nằm vùng', PV đã phát hiện, các xe chở quá khổ quá tải không những hoạt động công khai vào ban ngày mà ban đêm càng trở nên nhộn nhịp hơn. Qua theo dõi, khoảng thời gian được các tài xế hoạt động nhất vào khoảng 23h30 đến 2h sáng.

Một thực tế cho thấy, trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn đi qua nhà máy phân lân Ninh Bình), các dòng “xe siêu hổ vồ” hoạt động về đêm tấp nập nhất.

{keywords}

{keywords}

Ở Ninh Bình, dường như bất cứ chỗ nào cũng thấy xe quá tải

Vào khoảng 23h hàng ngày, các xe chở đất đá lưu thông trên đoạn đường này đổ về khu vực cảng Khánh Phú.

Trong khi đó, một trạm cân di động của cơ quan chức năng được đặt ngay trên tuyến đường này dường như không phát huy tác dụng. Hàng đoàn xe vẫn nườm nượp nối đuôi nhau phi qua...

Những con đường biến dạng

Hậu quả của những đoàn xe quá khổ, quá tải hoạt động ngày đêm là tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận của tỉnh Ninh Bình xuống cấp trầm trọng.

Đoạn đường từ Tam Điệp đến TP Ninh Bình và chiều ngược lại đang từng ngày oằn mình chịu dựng những đoàn xe quá tải lưu thông.

{keywords}

{keywords}

Những tuyến đường nát bươm dưới bánh xe tải

Tuyến đường huyết mạch này xuống cấp có thể nhìn thấy rõ, thể hiện qua những đường hằn vết bánh xe, những đường sống trâu phơi bày.

Theo ghi nhận tại các điểm hằn lún, có chỗ lún sâu đến hơn 10cm, tạo thành những 'luống khoai' trên đường.

Ngoài ra, có những tuyến đường bị những chiếc “siêu hổ vồ” tàn phá đến bong tróc cả lớp mặt. Tại tuyến đường vành đai dẫn đến cảng Khánh Phú dài hơn 10km, có đến 80% bị hằn lún vết bánh xe và bong tróc lớp nhựa đường.

Và vì thế, việc lưu thông của xe 4 chỗ, phương tiện thô sơ và xe máy gặp không ít nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Cường - một người dân sống ven tuyến đường này cho biết: “Đây là đoạn đường mới làm xong, nhưng không chịu được với những đoàn xe trọng tải lớn. Hàng ngày có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc xe như thế chạy thì đường nào chịu nổi?”.

Theo anh Cường, bình thường, đi ở những đoạn đường bằng thì không sao, nhưng chẳng may bánh xe trượt vào vết hằn lún trên đường thì rất khó điều khiển. Đặc biệt vào những ngày trời mưa, không vững tay lái thì người đi xe máy có thể ngã bất cứ lúc nào. Trong khi đó, trên đường lại rất nhiều phương tiện vận tải lớn qua lại.

Chị Lê Thị Lan, một chủ cửa hàng tạp hóa tại thị xã Tam Điệp cho biết: “Đoạn đường mới được làm, nhưng nhiều xe quá tải chạy qua mỗi ngày nên lại xuống cấp. Nếu như không có biện pháp xử lý triệt để những xe tải chở đầy đất đá, vật liệu nặng quá tải qua đây thì sửa chưa được bao lâu, đường lại tiếp tục xuống cấp”.

>> XEM CLIP TẠI ĐÂY

Nhị Tiến

>>Bài 1: HÌNH ẢNH KHÓ TIN DƯỚI VỆT BÁNH XE QUÁ TẢI

>>Bài 2: TÀN PHÁ ĐƯỜNG NGÀY ĐÊM Ở 'ĐIỂM NÓNG' VỀ QUÁ TẢI

>>Bài 7: VÌ SAO XE QUÁ TẢI VẪN LỌT TRẠM CÂN TRÊN QL5?

>>BÀI 8: BẤT CHẤP 'LỆNH', XE QUÁ TẢI VẪN RẦM RẬP NHƯ ĐI HỘI
>>BÀI 9:
'CAM KẾT CHO HAY', XE QUÁ TẢI VẪN MẶC SỨC TUNG HOÀNH
>>BÀI 10: TRẠM CÂN 'NÉ' XE TẢI, TỈNH NẰM GIỮA MẮC KẸT
>> BÀI 11: NHỮNG MÉT ĐƯỜNG BỊ 'GIẾT' DƯỚI VỆT BÁNH XE TẢI