Trên thửa ruộng rộng cả trăm m2 ở thị trấn Đồi Ngô, cô Hàn Ly (giáo viên trường THPT Lục Nam) cùng rất đông tình nguyện viên cặm cụi hái từng ngọn rau muống rồi buộc thành từng bó nhỏ để kịp sáng hôm sau nhờ chồng chuyển đến các khu cách ly trên địa bàn huyện. 

Từ ngày tỉnh huyện Lục Nam thực hiện cách ly để phòng chống Covid-19, cô Ly cùng chồng tự tay chuẩn bị từng bó rau xanh để vận chuyển đến tiếp tế các điểm cách ly tập trung.

{keywords}
Hàng nghìn bó rau được tiếp tế cho kh cách ly suốt thời gian qua. Ảnh minh họa. Diệu Bình

“Tôi nhớ khoảng những ngày đầu tháng 5/2021, một lần ra sau vườn nhà thấy thửa rau muống xanh mơn mởn rồi nảy ra ý tưởng phải làm điều gì đó có ích với cộng đồng trong mùa dịch khó khăn này”, cô Hàn Ly nhớ lại.

Nói là làm, từ ngày 15/5 đến nay cô liên tục có những chuyến hàng rau xanh tỏa đi khắp các khu cách ly tập trung, thậm chí những bó rau của cô đã chạm đến những vùng khó khăn nhất của huyện Sơn Động.

“Ban đầu tôi đăng lên mạng xã hội, bảo rằng có nhiều rau sạch, ai cần thì tôi hái mang đến tận nhà miễn phí. Sau đó, có một số người tại các điểm cách ly ngỏ ý muốn nhận rau sạch, tôi bắt tay làm miệt mài với số lượng có thời điểm lên đến hàng nghìn bó rau”, cô Hàn Ly nhớ lại.

Hành động của cô giáo dạy môn Lịch sử đã chạm đến được đến nhiều người, trong đó có hàng xóm và những học trò từng được cô đứng lớp. Tất cả xắn tay lại, tập hợp thành một nhóm mà người ta vẫn hay nói vui là “biệt đội siêu nhân rau xanh”.

Gọi là một nhóm tuy nhiên mọi người hoạt động tự nguyện, góp công, bỏ sức vào để tập hợp lại thành những bó rau xanh rồi chuyển vào khu cách ly.

“Có thời điểm, nhóm chúng tôi lên đến 40 người, tình nguyện tham gia các công đoạn. Chúng tôi tỏa ra một số vựa rau ở thị trấn, có nhà chùa cũng ủng hộ rau, các xã bên cũng vậy, mọi người giúp nhau theo cách vô tư, hồn nhiên nhất với mục đích là đoàn kết để cùng nhau sớm vượt qua đại dịch”, cô Hàn Ly trải lòng.

Mỗi ngày của cô Hàn Ly bắt đầu từ 5h30 sáng, sau khi sửa soạn xong các bó rau cô nhờ chồng đích thân vận chuyển đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Theo cô Hàn Ly, thời gian cách ly, bên ngoài cá thịt thì người dân rất thèm rau xanh, bổ sung thêm nhiều rau củ giúp đảm bảo sức khỏe trong những ngày cách ly.

“Tôi không kiểm đếm nhưng ước chừng đến nay chúng tôi đã tiếp tế cả chục nghìn bó rau và hàng tấn củ quả đến các khu vực cách ly và các vùng khó khăn”, cô nhớ lại.

Đồng hành cùng cô là người chồng đồng nghiệp – thầy giáo Nguyễn Minh Tú (giáo viên dạy Vật Lý), với tính cách hòa đồng, vui vẻ và nhiệt huyết, thầy đã đồng hành cùng cô lan tỏa những hành động ý nghĩa.

“Ban đầu tôi viết đơn tình nguyện vào Việt Yên để đi lấy mẫu xét nghiệm nhưng phải chờ đợt sau nên thời gian đó tôi vào phụ giúp bộ đội tại bếp ăn bệnh viện dã chiến đa khoa huyện”, thầy Tú chia sẻ. 

Dù hỗ trợ nấu bếp tại khu vực có hàng chục F0 đang điều trị nhưng thầy Tú cho biết không sợ hãi, trái lại còn hào hứng khi làm công việc giúp ích cho xã hội trong thời điểm khó khăn. Thầy còn nói vui “ở bệnh viện tôi trổ tài món sở trường… trứng luộc”.

Sau khi bệnh viện được tăng cường thêm bộ đội, thầy Tú có nhiều thời gian hơn giúp vợ vận chuyển rau sạch và củ quả đến những nơi khó khăn.

“Tôi nhớ nhất chuyến xe tình nguyện chở một tấn dứa, hàng chục thùng sữa vào huyện Sơn Động. Gặp chúng tôi, anh trưởng thôn của xã Hữu Sản đứng từ xa hồi hộp chờ đoàn chúng tôi đến, khuôn mặt của trưởng thôn ánh lên niềm hạnh phúc khi phân phát nhu yếu phẩm, hoa quả đến tận tay từng bà con”, thầy Tú kể về kỷ niệm chuyến đi huyện Sơn Động cách đây một tuần. 

Vợ chồng thầy cô Hàn Ly chia sẻ, chưa từng nghĩ sẽ trải qua những tháng ngày “thời chiến” như vậy. Mọi người đều hăng say, đồng lòng, dịch càng khó khăn thì mọi người càng đoàn kết.

“Có những người ngày thường rất khắc khẩu nhưng qua đợt dịch tôi cảm nhận rõ hơn về lòng tốt từ trái tim họ, không ai nề hà công việc vất vả, có khi còn chủ động hỏi hạn nhau là cần hỗ trợ gì không để xắn tay vào làm”, cô Hàn Ly kể.

Huyện Lục Nam được biết đến là địa phương xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, ngay lập tức với các biện pháp chống dịch quyết liệt, huyện đã khống chế thành công, làm sạch các ổ dịch. 

Một trong những cách làm sáng tạo của Lục Nam là vận dụng tối đa sự tham gia của nhân dân trong chống dịch. Từ việc thành lập hơn 1.000 tổ Covid cộng đồng với hơn 5.000 người tham gia đến các phong trào của nhân dân, đến nay huyện đang triển khai các bước để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Văn Dương