Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng).

Cụ thể, Công ty Hồng Hoàng bị phạt tiền 70 triệu đồng vì lý do không công bố thông tin đúng thời hạn theo quy định pháp luật các báo cáo gồm: Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2020. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 05/08.

Hồng Hoàng từng gâu xôn xao dư luận khi huy động thành công 1.400 tỷ đồng từ trái phiếu vào năm 2019.

Công ty Hồng Hoàng chính là doanh nghiệp từng gây ồn ào dư luận vào năm 2019 khi doanh nghiệp này phát hành thành công lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ hạn 5 năm, với lãi suất lên tới 20%/năm.

Điều đáng nói ở thời điểm huy động lô trái phiếu này, Công ty Hồng Hoàng chỉ mới thành lập được 3 năm, với vốn điều lệ cũng chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Với số dư 1.400 tỷ đồng, chỉ tính riêng tiền lãi mỗi năm công ty này phải trả đã lên tới 280 tỷ đồng.

Điều khiến dư luận chú ý lúc bấy giờ là không lâu sau thương vụ phát hành trái phiếu khủng trên, Công ty này đã thế chấp hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu tại Saigon Asia Credit Limited có trụ sở tại đảo Cayman (một trong những địa điểm được mệnh danh là “thiên đường thuế” trên thế giới).

Chính điều này đã khiến giới đầu tư cũng như truyền thông trong nước đặt nghi vấn Công ty Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, sau đó dùng chính số cổ phiếu này thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên.

Sở dĩ có nghi vấn trên là vào ngày 30/10/2019, trước khi Công ty Hồng Hoàng hoàn tất phát hành lô trái phiếu trên, trên thị trường chứng khoán đã có tổng cộng 4 lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng với tổng khối lượng là 60.771.055 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 1.446 tỷ đồng, đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ.

Công ty Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, sau đó dùng chính số cổ phiếu này thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên.

Ngoài ra, công ty này sau đó cũng bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là toàn bộ số dư, khoản tiền có trong tài ngân hàng ACB - Chi nhánh TP.HCM. Đến tháng 1 năm nay, công ty tiếp tục mang 10,96 triệu cổ phiếu ACB (là cổ tức nhận được từ số cổ phiếu đã thế chấp trước đó) làm tài sản đảm bảo tại Saigon Asia Credit Limited.

Được biết, Công ty Hồng Hoàng có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, được thành lập vào ngày 2/11/2016, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc thời điểm đó là bà Phạm Thị Khánh Hồng. Bà Hồng cũng là Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Nghi Lan - một pháp nhân mới được thành lập ngày 9/8/2019 và cũng có vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỷ đồng. 

Khi mới thành lập, doanh nghiệp này đặt trụ sở chính tại 480 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ của Công ty CP Đầu tư Thương mại Nghi Lan. Nhưng ở thời điểm phát hành lô trái phiếu nghìn tỷ trên, doanh nghiệp này đã chuyển trụ sở về Tầng 3, toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Người đại diện pháp luật của Công ty Hồng Hoàng hiện nay là ông Lê An.

Trong đợt này, UBCKNN cũng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp khác gồm: Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang và Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính. Công ty Á Cường còn bị xử phạt 100 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2021; công bố không đúng thời hạn với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.

Ngoài ra, Krungthai Zmico Securities Company Limited (trụ sở tại Thái Lan) bị xử phạt 120 triệu đồng do không công bố thông tin khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Lai dắt và Vận tải cảng Hải Phòng (TUG) lên trên 5%.

UBCKNN cũng ra Quyết định xử phạt Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) 100 triệu đồng do công ty này đã không công bố với một loạt thông tin, như giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 4 quý năm 2017, quý I/2018; giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét tại BCTC bán niên 2018; thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017…

(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Phải ra tận Bộ xin xỏ giấy tờ, Cục Hải quan bị doanh nghiệp kiện ra tòaCác doanh nghiệp phải đi ra tận Bộ để xin xác nhận thủ tục xuất nhập khẩu dù đoàn Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị.