“Theo tôi, đã quá một năm, nên trao số tiền cho bà Hồng. Còn bà Ngọt hay sau này có bà Ngào nào đấy muốn nhận số tiền thì hãy có chứng cứ và kiện ra tòa”, LS. Nguyễn Văn Hậu.  

LTS: Sau một năm, vụ nhặt được 5 triệu yen của chị Hồng tưởng chừng khép lại, bỗng dưng xuất hiện vào phút cuối nhân vật mới và mở ra nhiều diễn tiến bất ngờ khác khiến pháp luật phải lúng túng. Cho đến giờ phút này, vẫn chưa biết kết quả chính thức cuối cùng sẽ ra sao! Và như vậy, chị Hồng lại tiếp tục phải đợi chờ…  

Dưới đây là góc nhìn của LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM chia sẻ với Tuần Việt Nam. 

{keywords}

LS. Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Duy Chiến

- Thưa LS. Hậu, đối với vụ nhặt được 5 triệu yen, ông nhận thấy có những vấn đề pháp luật gì cần quan tâm? Tại sao câu chuyện nhặt được của rơi lại phức tạp và kéo dài vậy? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Chuyện đó rất đơn giản, và cũng không phải là hiếm xảy ra trong xã hội. Một người dân là chị Hồng khi thu mua ve chai mua được một cái loa, về nhà mở ra phát hiện trong loa có 5 triệu yen Nhật.  

Chị đem tiền lên báo và nộp cho Công an phường, Công an phường chuyển lên Công an quận. Diễn tiến tới đây là rất bình thường. Chị Hồng và Công an phường, Công an quận đều tôn trọng và chấp hành pháp luật.  

Theo điều 239 Luật tố tụng dân sự, thì sau một năm nếu không có ai tới nhận, số tiền 5 triệu yen sẽ là “vật vô chủ” và người nhặt được là chị Hồng sẽ được hưởng số tiền này. 

Tuy nhiên, còn một ngày nữa là tròn một năm, chị Hồng có thể đàng hoàng nhận số tiền nhặt được này thì xuất hiện nhân vật mới là bà Ngọt. Bà này cho rằng số tiền này của “chồng” đang ở châu Phi. Và bà cam đoan sẽ nộp giấy tờ chứng minh sau.  

Nhân vật của “phút 89” đã khiến cho cơ quan bảo vệ pháp luật lúng túng. Công an quận hoãn giao số tiền cho chị Hồng và chuyển vụ việc ra tòa nhưng tòa không nhận.  

- Hiện vụ việc đã thêm nhiều tình tiết mới nữa là qua xác minh, công an phát hiện “chồng” bà Ngọt dùng hộ chiếu giả, bà Ngọt không chứng minh được người đang ông châu Phi kia là chồng theo đúng pháp luật. Tại sao câu chuyện không có gì đáng ầm ĩ này chưa kết thúc? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Đấy, cái phức tạp là ở chỗ không ai hiểu cho đúng pháp luật. Ở đây điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rất rõ: “Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu với vật đó…” 

- Thưa Luật sư, tôi có nghe phía luật sư bảo vệ cho bà Ngọt nói rằng, đây là số tiền 5 triệu yen chứ không phải là “vật”. Mà tiền là tài sản nên không thể vận dụng vào nhóm “vật vô chủ”, tức điều 239? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Ở đây cũng cần nói rõ là điều 239, khái niệm “vật vô chủ” là khái niệm rất rộng, là một tập hợp, trong đó có thể hiểu “tài sản” là tập hợp con trong tập hợp “vật vô chủ”.  

{keywords}
Điều 239 Bộ luật Dân sự. Ảnh: Duy Chiến

Nên xét cả tình lẫn lý… 

- Dường như giữa các luật sư, kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật không thống nhất với nhau về một số khái niệm liên quan trong Bộ luật dân sự nên mới có thông tin rằng phải mất 10 năm sau, nếu không ai chứng minh được mình là chủ thì số tiền 5 triệu yen mới thuộc về bà Hồng. Bản thân ông căn cứ vào đâu để khẳng định đến giờ phút này số tiền đã thuộc bà Hồng? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Đúng là chưa thống nhất trong cách hiểu về Luật nên mới có chuyện người dân có tảng đá quý trong nhà bị “bắt giam” (tảng đá tại huyện Chư Sê, Gia Lai – TG). Trong trường hợp vụ 5 triệu yen, có người đã “vận dụng” đến cả những điều liên quan đến vật chôn giấu, tài sản đắm tàu v.v…  

Còn ai muốn vào nhận thì hãy chứng minh đi! Đã là luật thì phải có chứng cứ mới nói chuyện được. Theo tôi, đã quá một năm, nên trao số tiền cho bà Hồng. Còn bà Ngọt hay sau này có bà Ngào nào đấy muốn nhận số tiền thì hãy có chứng cứ và kiện ra tòa.  

Ở đây chúng ta nên chú ý tới yếu tố nhân văn, tình và lý. Bà Hồng đã chấp hành pháp luật rất tốt, nhặt được tiền đem ra báo và nộp cho công an. Phải hoan nghênh và ủng hộ những người thượng tôn pháp luật chứ. Tôi nói thật, nếu chúng ta giải quyết kiểu “lằng nhằng” để kéo dài không biết tới bao giờ thì những người khác nhìn vào họ sẽ nghĩ, nếu nhặt được tiền như bà Hồng đem cất vào tủ là yên chuyện, khỏi rắc rối… 

Nếu cả xã hội mà chọn cách giải quyết như vậy, không còn cầu viện đến luật pháp thì xã hội ấy sẽ ra sao. Nguy hiểm vô cùng!  

- Giả sử bà Ngọt tìm đến và nhờ ông tư vấn để nhận được số tiền 5 triệu yen, ông sẽ tư vấn như thế nào? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Với trách nhiệm của một luật sư với thân chủ, tôi sẽ đề nghị bà Ngọt cung cấp chứng cứ. Có chứng cứ thì luật sư mới giúp được. Còn không, tôi sẽ nói: “Chị hãy rút đơn lại đi!”.   

Luật dân sự xử sao cũng được? 

- Thưa LS. Hậu, chắc ông còn nhớ, ông chánh án TAND tối cao Trịnh Hồng Dương từng có lần phát biểu tại phiên họp Quốc hội một câu khá chấn động là “Luật dân sự xử sao cũng được”. Dù câu nói đó bị xếp vào loại “nhạy cảm”, nhưng có vẻ như lại rất nhiều thẩm phán và luật sư đồng tình với câu nói của ông Dương. Vụ nhặt 5 triệu yen này hình như cũng có dấu hiệu “hiểu sao cũng được” phải không? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Đúng là nếu như điều 239 của Bộ luật tố tụng dân sự, thay khái niệm “vật vô chủ” bằng khác niệm “tài sản” thì chắc chắn không thể có những cách hiểu không giống nhau như vậy. 

Nhưng luật dù chặt chẽ thế nào cũng không thể bao quát hết mọi lĩnh vực, ngóc ngách của cuộc sống. Đó là chưa kể ở từng góc độ, lợi ích xung đột thì càng phức tạp hơn. Giới luật sư chúng tôi rất thấm thía câu nói của ông Dương, và bản thân tôi đã gặp không dưới 25 vụ “xử sao cũng được”… 

- Theo ông, thực tế vụ 5 triệu yen có đặt ra vấn đề gì đó cho việc sửa đổi, bổ sung luật dân sự không? 

LS. Nguyễn Văn Hậu: Cuộc sống phóng phú và phức tạp luôn đặt ra những cái mới, rất mới mà luật pháp muốn sâu sát thì phải cập nhật, có như thế mới thích ứng và đi vào cuộc sống được.  

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dù luật pháp có hoàn chỉnh đến đâu chăng nữa thì bản thân cán bộ thực thi pháp luật và mọi người dân cũng phải nâng cao ý thức pháp luật tương ứng. Đặc biệt là các cán bộ thực thi pháp luật, cần có trách nhiệm và công tâm.  

- Xin cảm ơn Luật sư!

Duy Chiến (thực hiện)