Báo VietNamNet trích đăng bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả Huy Nguyễn, một vấn đề rất đáng suy ngẫm từ vụ cháy thiệt hại rất nặng nề về người, đã có 32 nạn nhân tử vong.

Có thể vẫn còn những ngóc ngách mà các lính cứu hỏa chưa tiếp cận được. Xin chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Họ có thể là khách hàng đã chọn nhầm một điểm đến để vui chơi, họ có thể là những nhân viên làm thêm giờ và không có hợp đồng lao động, và thậm chí có thể không được chủ quán mua bảo hiểm thân thể.

Tôi đặt tiêu đề của status này là “Những chiếc lồng bê tông và thép” bởi nó không khác như thế. Đa số những quán karaoke có dạng nhà ống với nơi thoát hiểm duy nhất là cửa chính của tòa nhà. Xung quanh là 3 bức tường bê tông kiên cố đến cửa sổ cũng không có. Phía trước các quán karaoke thường được phủ kín bởi biển quảng cáo với khung thép và các chất liệu dễ cháy như nhựa mika và đèn led.

Quán nào có bảng đèn led càng to thì càng thu hút nhiều khách. Những bảng đèn led choán hết không gian mặt tiền của quán khiến việc phá dỡ nó bằng dụng cụ chuyên dụng còn khó khăn chứ nói gì là sức người với tay không trong cơn bấn loạn.

Quán karaoke những chiếc lồng bê tông và thép. Ảnh CTV

Trong cơn bấn loạn của hỏa hoạn, khi thang máy dừng hoạt động, đa số các quán karaoke chỉ có lối thoát hiểm duy nhất đó là đi cầu thang bộ xuống tầng trệt để thoát ra ngoài. Nếu đám cháy xảy ra ở gần cầu thang, xem như những người ở tầng cao hơn chỉ còn biết cầu nguyện, chờ sự run rủi của số phận.

Cảnh sát PCCC dùng xe thang tiếp cận, đưa nạn nhân ra ngoài - Ảnh: CTV

Theo quy định các quán karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà hàng, tòa nhà văn phòng, các công trình  khác.... đều phải trải qua kiểm định phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Nhưng ai dám chắc trong số những tòa nhà dịch vụ đó thật sự an toàn hoặc có lối thoát hiểm an toàn khi có sự cố?

Khách đi hát karaoke thường đã vừa xong một tăng nhậu, đa số là thế. Người đã ngà ngà say thường ít khi để ý đến những lối thoát hiểm hay đánh giá những rủi ro xung quanh mình. Ngay cả những nhân viên làm việc bán thời gian ở quán, chắc gì họ đã được một lần đào tạo về phòng cháy chữa cháy ở chính nơi họ làm việc mỗi ngày.

Với khách hàng, họ càng không thể tự đánh giá các rủi ro về cháy nổ. Việc đánh giá về rủi ro cháy nổ là của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nơi kiểm định cho phép hoạt động.

Người cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cà cơ quan phòng cháy chữa cháy khi thẩm định  cấp phép cho một công trình không chỉ đòi hỏi về điều kiện ít xảy ra cháy nổ, mà còn có cả điều kiện nếu cháy nổ thì lính cứu hỏa sẽ chữa cháy bằng cách nào.

Nếu nhìn vào mặt tiền của tòa nhà bị bịt kín, sân thượng bị bịt tôn, 3 bên là bê tông cốt thép, thì chữa cháy bằng cách nào?.

Huy Nguyễn