- Sau khi công tố viên buộc tội 27 bị cáo trong vụ án đại gia nợ 1.600 tỷ ở công ty Phương Nam, HĐXX đề nghị đại diện VKS cần làm rõ, trả lời thêm 14 vấn đề mà các luật sư đặt ra…
Ngày 30/7, có tất cả 14 vấn đề được các vị luật sư (LS) đặt ra trong suốt 3 ngày tranh luận. Có nhiều vấn đề - theo các luật sư, đại diện Viện kiểm sát (VKS) chưa trả lời đầy đủ, trả lời chung chung, không đi vào trọng tâm…
"Cáo trạng có thiết sót.."
Trước tòa, luật sư (LS) Nguyễn Trường Thành cho rằng, bản thân LS không muốn HĐXX phải trả hồ sơ vụ án điều tra lại, bởi 2 lý do: Để tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, việc xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, gặp các bị can rất khó khăn. Thứ nữa, nếu trả hồ sơ vụ án này sẽ tạo thêm khó khăn, vất vả cho các điều tra viên, kiểm sát viên, LS và HĐXX.
LS Nguyễn Trường Thành bào chữa trước tòa |
Tuy nhiên, nếu tại phiên tòa hôm nay, VKS trả lời được 4 vấn đề sau đây thì LS sẽ rút lại đề nghị trả hồ sơ vụ án.
4 vấn đề lớn trong 14 nội dung cần làm rõ. Cụ thể, VKS cần làm rõ tổng số tiền bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Lâm Ngọc Khuân là bao nhiêu? Có tính lãi suất hay không? Tư cách tham gia tố tụng của 5 ngân hàng và công ty Phương Nam trong vụ án này là gì? Thẩm quyền cho vay thuộc Hội sở hay Chi nhánh của 5 ngân hàng? Các ngân hàng thương mại, cổ phần tổ chức làm ăn theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu” vì sao lại truy tố?... |
Theo LS này, cần làm rõ tổng lượng hàng hóa tồn kho của công ty Phương Nam từ 2008 đến 2012 là bao nhiêu? Tư cách tham gia tố tụng của 5 ngân hàng đây là gì?
Số hàng hóa tồn kho thời điểm Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn theo kết quả điều tra là 156 tỷ đồng, không phải là 40 tỷ đồng. Do vậy, HĐXX phải trừ đi số tiền 156 tỷ cho các bị cáo chứ không phải 40 tỷ đồng như đã truy tố.
Tại kết quả giám định tài chính 2008 đến 2012, công ty Phương Nam lỗ kinh doanh 900 tỷ. Nếu căn cứ bản cân đối tài chính thì ông Lâm Ngọc Khuân không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng, mà bị lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, VKS tối cao truy tố ông Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm chiếm đoạt 784 tỷ đồng gồm tiền vốn và lãi. Theo quy định pháp luật, số tiền chiếm đoạt chỉ tính phần vốn mà không tính lãi.
LS cho rằng, việc truy tố tội danh lừa đảo gồm cả tiền vốn và lãi là sai quy định pháp luật
Số tiền các ngân hàng cho vay thuộc về Hội đồng thẩm định của ngân hàng hay Chi nhánh? Nếu việc cho vay thuộc về Hội thẩm thì việc quy kết 25 bị cáo ngân hàng phạm tội “Vi phạm trong các hoạt động cho vay tổ chức tín dụng” là chưa hợp lý, quy kết sai đối tượng. Kết luận điều tra cho thấy, thẩm quyền cho vay không thuộc thẩm quyền Chi nhánh mà thuộc thẩm quyền Hội thẩm.
Đại diện VKS trả lời, số tiền chiếm đoạt xác định là 784 tỷ đồng, trong đó có cả vốn và lãi vay của các ngân hàng. Sau khi khấu trừ các khoản tiền lãi còn khoảng 679 tỷ đồng.
“Vấn đề này tôi xin xác nhận cáo trạng nêu chưa rõ ràng. Bởi vì số tiền công ty Phương Nam chiếm đoạt ngân hàng 784 tỷ vẫn chưa tách ra được số nào là vốn và số nào là lãi. Cho nên, chúng tôi thừa nhận thiếu sót, cáo trạng chưa rõ ràng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” – đại diện VKS thừa nhận trước tòa
Cần tiết lộ "bí mật" hàng tồn kho (?)
Nhiều LS cùng đồng quan điểm, cần xác định tổng lượng số hàng tồn kho, luân chuyển của công ty Phương Nam là bao nhiêu trong 4 năm 2008 đến 2012?
Vấn đề này VKS chưa chứng minh được trước tòa. Cụ thể, phải thông qua hoạt động xuất khẩu, giao dịch của 7 ngân hàng đó mới xác định được số hàng tồn kho.
Đại diện VKS thừa nhận cáo trạng còn một số thiếu sót... |
Đơn cử, tại Vietcombank (VCB) Sóc Trăng, trong năm 2008, công ty Phương Nam xuất khẩu thanh toán qua ngân hàng này là hơn 12 triệu USD (tương đương 214 tỷ đồng); năm 2009, số tiền xuất khẩu thanh toán vào VCB là 14 triệu USD; năm 2010, số lượng tiền hàng qua VCB là trên 22 triệu USD; năm 2011, số tiền hàng xuất khẩu qua VCB là gần 30 triệu USD.
Lượng hàng hóa xuất khẩu, luân chuyển qua VCB trong 4 năm là hơn 1.000 tỷ đồng.
Vấn đề được LS đặt ra, số tiền là bao nhiêu trong số hàng hóa tồn kho? Vậy nên, VKS phải chứng minh tại tòa lượng hàng hóa tồn kho từ 2008 đến 2012 ở tất cả 7 ngân hàng là bao nhiêu? Từ đó làm rõ ông Lâm Ngọc Khuân (Chủ tịch HĐQT) có chiếm đoạt tài sản hay không?
LS Thành khẩn thiết HĐXX xem xét khi phải giải quyết vụ án, cần cân nhắc ý kiến chỉ đạo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm công ty Phương Nam trong chiều 2/3/2014 sau khi tái cơ cấu.
“Công ty thủy sản Phương Nam là một doanh nghiệp có tiếng, việc công ty lâm nạn là bài học kinh nghiệm cay đắng. Nếu công ty tập trung chuyên chế biến tôm thì không có vấn đề như hôm nay. Chủ tịch nước đánh giá cao trong tái cơ cấu, năm 2013 xuất khẩu đạt 17 triệu USD; và dự kiến 2014 đạt 43 triệu USD. Yêu cầu công ty không đầu tư ngoài ngành nghề” – LS Thành dẫn lại ý kiến trên trước tòa.
Quốc Huy