Sáng nay, TAND huyện Đông Anh mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên bí thư thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn) với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thanh giữ chủ toạ phiên toà.

Sau hơn 1h tiến hành thủ tục tố tụng, HĐXX đã phải hội ý 2 lần do kiến nghị của các luật sư bào chữa và từ lời khai của bị cáo Lưỡng tại phiên toà.

Hàng chục người dân thôn Đường Yên đến tham dự phiên toà xét xử nguyên bí thư thôn bị truy cứu

Đại úy Nguyễn Tiến Điển, Công an xã phụ trách thôn Đường Yên đến toà trong trang phục dân sự. Ông Điển được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ông Điển, 6 bị hại khác là các hộ dân trong thôn Đường Yên - những người thuộc diện đính chính thông tin sổ hộ khẩu, phải nộp 150 ngàn đồng/sổ cho bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng và được nhận lại tiền trên từ ông Nguyễn Tiến Điển.

Hàng chục người dân trong thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn) dù không được triệu tập nhưng vẫn đến tham dự phiên toà từ rất sớm.

Luật sư Trần Đình Triển, Bùi Thị Thủy (VP Luật sư Vì Dân) - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng kiến nghị HĐXX về việc, cho đến hôm nay, khi phiên toà diễn ra, các luật sư bào chữa vẫn chưa nhận được QĐ đưa vụ án ra xét xử. Điều này sai quy định pháp luật.

Ngoài ra, các luật sư kiến nghị, bị hại trong vụ án này là 68/72 hộ dân thuộc diện “đính chính sổ hộ khẩu” đã nộp tiền cho Lưỡng sau khi nhận được thông báo trên nhóm zalo và loa truyền thanh thôn.

Tuy nhiên, chỉ có 6/68 người đến toà. Luật sư kiến nghị Toà triệu tập đủ số lượng các bị hại, vì lời khai của họ có ý nghĩa quan trọng tới tội danh của nguyên bí thư thôn Đường Yên Nguyễn Văn Lưỡng.

Cuốn sổ màu xanh của Đại uý Nguyễn Tiến Điển

Giữ nguyên lời khai trong Kết luận điều tra của Công an huyện Đông Anh, tại toà, bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng khẳng định mình được ông Nguyễn Tiến Điển nhờ trả giúp sổ hộ khẩu và thu giúp số tiền 150 ngàn đồng/sổ.

Bà Nguyễn Thị Vinh (áo tím), Nguyễn Thị Thắm (áo đen) thừa nhận có ký tên vào cuốn sổ công tác màu xanh như lời khai của bị cáo Lưỡng, khi nộp 150 ngàn đồng lúc nhận sổ hộ khẩu.

Tất cả những người nộp tiền đều ký vào cuốn số tay công tác màu xanh. Cuốn sổ này do Đại uý Nguyễn Tiến Điển đưa cho Lưỡng khi nhờ trả sổ - thu tiền giúp.

“Cuốn sổ công tác màu xanh, có nội dung tên các trường hợp người dân nhận lại sổ hộ khẩu đã đính chính trong đợt cấp lại căn cước công dân vào tháng 3/2021 vừa qua. Ai nộp tiền, họ đều ký tên vào cuốn sổ đó. Cuốn sổ đó là của anh Điển đưa cho tôi” – bị cáo Lưỡng khai trước toà.

Chủ toạ xét hỏi Lưỡng về các đặc điểm nhận dạng, màu sắc, kích thước, độ dày - mỏng (số trang) của cuốn sổ, Lưỡng khai nhận có nhớ nhưng không biết chính xác có bao nhiêu trang. Giấy có dòng kẻ, kích thước A4, bìa màu xanh bọc bóng kính... Lưỡng khẳng định có nhận ra được chữ của Đại uý Điển viết trong sổ.

“Chữ của anh Điển nhỏ. Tôi nhớ và có thể nhận ra được chữ của anh Điển” – Lưỡng khai.

Trước đó, chủ toạ xét hỏi về nội dung các nhóm zalo do Lưỡng lập nên với nội dung gì, Lưỡng khai: có 9 nhóm zalo, Lưỡng lập và quản trị 6 nhóm thuộc các thôn Ngoài 1, Ngoài 2…, mỗi thôn lập 1 nhóm zalo khác nhau. Nội dung trong các nhóm này, Lưỡng thông báo người dân đến nhận sổ và nộp “tiền 150k/trường hợp” tại nhà văn hoá thôn Đường Yên.

Hàng chục người dân trong thôn Đường Yên đứng cả dậy khi chủ toạ tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ việc.

Sau đó, khi có đơn tố giác của công dân, Lưỡng khai được Đại uý Nguyễn Tiến Điển gọi lên UBND xã. Tại đây, Điển cùng 2 người khác (công tác trong ngành công an) yêu cầu xoá bỏ các nhóm zalo này với lý do “không có lợi” cho Lưỡng và Điển.

Nghe theo, Lưỡng đã tự xoá 6 nhóm zalo do mình lập và giữ quyền quản trị. 3 nhóm khác do người khác lập, Lưỡng đến nhờ những người đó xoá zalo nhóm.

Về tình tiết “cuốn sổ công tác bìa xanh” mà Lưỡng khai trước toà, bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1957, thôn Đường Yên xác nhận với PV báo VietNamNet bên ngoài phòng xử án TAND huyện Đông Anh, đó là cuối tháng 4, ông Nguyễn Tiến Điển đến tận nhà bà và gửi lại tiền đã thu. Khi đó, ông Điển cầm theo cuốn sổ công tác màu xanh đúng như đặc điểm cuốn sổ mà anh Lưỡng mô tả tại toà.

“Anh Điển đến nhà tôi vào buổi trưa cuối tháng 4/2021, ngồi cả tiếng đồng hồ. Anh Điển nói là trả lại tiền đã thu, bà con nhận lại và thông cảm. Tôi nói số tiền không đáng bao nhiêu, nên tôi ủng hộ luôn chứ không cần phải trả. Không ai ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến mức này” - lời bà Vinh.

Bà Ngô Thị Đấu (SN 1948), mẹ của bị cáo Lưỡng suýt oà khóc khi HĐXX tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung.
Ông Đỗ Văn Phụng (SN 1963, thôn Đường Yên, áo đỏ), một trong những bị hại

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1967, thôn Đường Yên) xác nhận, bà cũng được anh Điển đến tận nhà trả lại tiền. Việc nộp tiền, bà con trong các xóm của thôn đều được biết qua các nhóm zalo và phát trên loa truyền thông của thôn; bà con nhận sổ, đóng tiền, ký vào sổ tại nhà văn hoá thôn.

Trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Trước kiến nghị của các luật sư bào chữa; trước lời khai của nguyên bí thư thôn Đường Yên Nguyễn Văn Lưỡng tại toà (về chi tiết xoá bỏ các nhóm zalo và chi tiết cuốn sổ tay công tác - PV), thẩm phán, chủ toạ phiên toà tuyên trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung vụ việc.

Bà Ngô Thị Đấu (SN 1948), mẹ của bị cáo Lưỡng suýt oà khóc khi HĐXX tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

“Con tôi thật thà, chất phác, ăn cơm nhà vác tù và thôn cả chục năm, không tơ hào của xã hội cái gì. Nếu mà xử con tôi tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” thì oan cho con tôi quá” - bà Đấu chực khóc nói.

Luật sư Bùi Thị Thuỷ, VP Luật sư Vì Dân - bào chữa cho bị cáo Lưỡng

Ông Đỗ Văn Phụng (SN 1963, thôn Đường Yên), 1 trong 6 bị hại có mặt tại toà cho biết: "Số tiền 150 ngàn không lớn, thứ hai, tôi được thông báo trong nhóm zalo của thôn và trên loa phát thanh nên cũng không thắc mắc gì. Khi có đơn thư, lúc ấy chúng tôi mới biết. Nếu xử như vậy thì oan cho anh Lưỡng quá. Đó là lý do, các bị hại trong vụ việc đồng loạt ký đơn xin giảm án cho anh Lưỡng".

Luật sư Trần Đình Triển cho hay, việc trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung sẽ mất khoảng 1 tháng, có thể gia hạn thêm 1 tháng tiếp theo.

"Không bình luận"

Trao đổi với VietNamNet bên ngoài phiên toà, Đại uý Nguyễn Tiến Điển, (công an xã phụ trách thôn Đường Yên, người được triệu tập đến toà với tư cách người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan) cho biết, ông không bình luận gì về sự việc cũng như không trả lời câu hỏi phỏng vấn, vì theo quy chế, ông chỉ trả lời khi được Thủ trưởng cơ quan ủy quyền và cho phép. 

“Anh có thể theo dõi, khai thác thông tin tại phiên toà”, lời ông Điển và cũng cho biết cũng “không bình luận” gì với vai trò là một công dân xuất hiện tại toà trong trang phục dân sự.

Kiên Trung