Theo tờ News Week, trong ngày 2/9, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng tải trên Twitter chính thức một đoạn video chế (meme) về việc hệ thống tên lửa HIMARS tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng "America's Got Talent" (AGT)
"HIMARS chắc chắn có tài năng, khi được sử dụng bởi lực lượng vũ trang Ukraine, nó còn hơn cả tài năng", Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên Twitter.
Trong đoạn video chế, hệ thống tên lửa của Mỹ được mô tả cách điệu theo phong cách hoạt hình, thể hiện phần thi của mình qua hình ảnh tấn công các mục tiêu chiến lược. "Tôi biết AGT là một trong những sân khấu lớn nhất thế giới, tôi hi vọng phần trình diễn của mình có thể đem lại những tác động tích cực", hệ thống HIMARS nói trong đoạn video.
Đoạn video về HIMARS được tạo ra bởi Saint Javelin, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ Ukraine.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Ukraine chia sẻ những hình ảnh và video tương tự, mà nó đã trở thành một phương pháp tác chiến không gian mạng mới.
Vào ngày 28/8, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng tải một đoạn tweet để cảm ơn tới tổ chức NAFO vì những sự hỗ trợ dành cho lực lượng vũ trang nước này. Đi kèm với dòng trạng thái cảm ơn là hình ảnh chú chó shiba (một meme rất nổi tiếng) trong bộ quân phục Ukraine đang nhìn các tên lửa phóng đi từ hệ thống HIMARS.
Theo The Economist, có rất nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Ukraine yêu thích các meme này, điển hình là Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov. Ông Reznikov thậm chí đã đổi ảnh đại diện Twitter cá nhân thành một bức meme của NAFO, đồng thời cảm ơn những người đã tạo ra bức ảnh chế chú chó shiba.
Trên thực tế, đã có rất nhiều quốc gia nhận ra sự tiềm năng của meme trong các chiến dịch trên không gian mạng. Năm 2006, thủy quân lục chiến Mỹ từng để xuất thành lập Trung tâm tác chiến meme, nhằm "tư vấn cho chỉ huy và cung cấp các phương án sử dụng meme phù hợp nhất”.
Tuy nhiên, lực lượng quân đội chính quy thường thiếu đi sự hài hước cần thiết để giúp một meme lan tỏa tới cộng đồng. Vào năm 2010, Lầu Năm Góc đã mất tận 3 tuần để tạo ra một meme cảnh báo tin tặc, nhưng bức ảnh này chỉ được chia sẻ vỏn vẹn 200 lần trên Twitter.
Việt Dũng