Đó là cảm nhận đầu tiên khi bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thơ Rồi mai mùa sẽ vui. Vũ Mai Phong ra mắt tác phẩm này khi đã tạo dấu ấn trên thi đàn với một tập thơ khác mang tên Nẻo về.
Bất kể lựa chọn 5 hay 7 chữ để tạo tứ thơ, tác giả luôn biết cách thu hút người đọc bằng giọng kể mộc mạc và dễ thấm: “Lại một mùa Vu Lan/ Con không về thăm mẹ/ Cánh đồng quê quạnh quẽ/ Chợt hiện về trong mơ...”.
Người đọc tìm thấy sự kỳ diệu của ẩn dụ, sự cô đọng trong cách diễn đạt, cách sử dụng năm giác quan và sự đơn giản hay phức tạp của ý nghĩa chỉ trong một vài dòng thơ.
Trong thơ, nhịp điệu và sự xâu chuỗi rất quan trọng, Vũ Mai Phong đã làm tốt điều này: “Tháng ba, sắp tàn thêm xuân nữa/ Văng vẳng xa về tiếng sấm khan/ Đếm bao trái khế vườn khuya rụng/ Dội đến lòng ta bấy miên man...”.
Đó là nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo, điều mà hầu hết chúng ta không dễ thấy trong đời thực, nhưng qua thi ca, mọi thứ trở nên long lanh, huyền diệu. Đây là cách tác giả vận dụng ngôn từ và trí tưởng tượng tạo nên bức tranh đầy ắp cảm xúc lay động trái tim người đọc, dù chỉ là chiêm ngưỡng những điều bình dị nhất.
“Ta trở về với cơn khát hư vinh/ Nhà to, xe sang, xiêm y phù phiếm/ Sân khấu nào cũng cố tròn vai diễn/ Hóa trang, mặt nạ khắp xung quanh...”
Nhà thơ Vũ Mai Phong làm người đọc nảy ra những ý tưởng mới đồng thời nhìn nhận các ý tưởng cũ. Đó là một cách để xử lý trải nghiệm, mô tả trực quan và cảm xúc.
Trầm cảm và rối loạn lo âu nằm trong số hai bệnh tâm thần hàng đầu đang hành hạ nhân loại, nhưng qua thơ ca, con người bắt đầu hiểu được những trở ngại đang hình thành xung quanh tâm trí mình. Bày tỏ cảm giác của mỗi cá nhân là điều khó khăn nhưng thơ ca là một trong những lối thoát tốt nhất.
Đối với những người gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân, đọc thơ có tác dụng tích cực tương tự như viết thơ. Đọc thơ cho phép ta nhìn sâu vào tâm hồn người khác, thấu hiểu điều gì đang đè nặng trong tâm trí và trái tim họ, đồng thời mở ra cánh cửa đón nhận bao xúc cảm bị kìm nén. Nói cách khác, thơ soi sáng tất cả những kẽ hở tối tăm, ẩn giấu của trái tim hoặc tâm trí - từng bị cho là vĩnh viễn đóng cửa với thế giới.
Với Vũ Mai Phong, thơ được chia thành những câu ngắn gọn nhưng có tính chiến lược. Bằng cách đó, đọc thơ khiến độc giả hiểu được ý nghĩa của từng từ và vị trí của chúng. Đôi khi, chỉ cần một chữ cũng đủ làm thay đổi toàn bộ nhịp điệu và ý nghĩa của bài thơ.
“Mưa bụi rắc bên thềm/ Nồi bánh chưng vừa chín/ Chuông đồng hồ đủng đỉnh/ Tết bình dị thuần nguyên...” - Đó là cách xử lý cấu trúc câu tinh tế mang đậm phong cách Vũ Mai Phong.
Một trong những khó khăn của thời đại hiện nay là khả năng thấu hiểu nhau. Giao tiếp sai lệch và hiểu lầm dẫn đến vô số nỗi thất vọng. Thơ Vũ Mai Phong đóng vai trò là cây cầu kết nối những tâm hồn.
Từ góc nhìn của một nhà thơ, anh mong muốn truyền tải bản chất thực sự của tác phẩm tới độc giả. Điều đó gây ấn tượng lâu dài sau khi đọc.
Bạn có bao giờ cảm thấy lạc lõng? Đã bao giờ tự hỏi tại sao bản thân lại suy nghĩ hoặc cảm thấy dằn vặt? Và có khi nào bạn không giải mã được điều gì đang diễn ra bên trong mình? Cách tốt nhất để nắm bắt những xáo trộn nội tâm là làm thơ và đọc thơ.
Với Rồi mai mùa sẽ vui - người viết khéo léo chọn cái tựa khiến ai tình cờ nhìn thấy cũng muốn mở ra thưởng thức.
“Vẫn thấy em mỗi lần ta ra sau ngõ/ Em khiêm cung và mỏng mảnh quá chừng/ Ta thương em nơi bốn mùa gió lộng/ Mặc kệ đời vẫn tự tại lên xanh...”
“Hình như gió đã đổi mùa/ Lược vàng mây rẽ chiều thưa thớt dần/ Chừng như chờ rét nàng Bân/ Loa kèn toan nở mấy lần lại thôi...”
Thơ Vũ Mai Phong làm thế giới xung quanh như chậm lại. Nó sắp xếp suy nghĩ của chúng ta thành những câu ngắn gọn, trực tiếp, đồng thời xoa dịu nỗi lo lắng trong cơ thể bằng phong cách trữ tình.
Không có nỗi buồn nào lớn hơn việc không biết giá trị bản thân, và không có sức mạnh nào lớn hơn sự hiểu biết đầy đủ về con người. Thơ có thể mang tới cho chúng ta sức mạnh đó. Vì lẽ đó mà Vũ Mai Phong đã tạo ra những nốt thơ tươi sáng cho đời.
Ảnh: NVCC