- Trả lời thẩm vấn về quá trình sử dụng tiền chiếm đoạt của Nhà nước, Dương Thanh Cường khai đã sử dụng 1,4 tỷ đồng để làm từ thiện. Ngoài ra, hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước đã bị siêu lừa này “làm xiếc” vì các mục đích cá nhân.

Ngày 26/10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử “đại án” gây thiệt hại 966 tỷ đồng xảy ra tại Agribank chi nhánh 6, TP.HCM.

Cán bộ Nhà nước…bật đèn xanh

Theo cáo trạng, ngoài hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 170 tỷ đồng do Công ty Tấn Phát vay, Dương Thanh Cường và đồng phạm còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Agribank chi nhánh 6 khoản tiền 628 tỷ đồng.

Cơ quan công tố xác định: Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát do Dương Thanh Cường lập ra thuê Lê Văn Tuấn, Lê Sơn Hùng sau đó là Phạm Hoàng Thọ đứng tên Giám đốc.

{keywords}
Cựu Giám đốc Agribank chi nhánh 6, người Dương Thanh Cường liên hệ trước khi vay tiền.

Cuối năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Để có tiền thực hiện dự án, Cường đến gặp Hồ Đăng Trung – Giám đốc Agribank chi nhánh 6 đặt vấn đề xin vay 700 tỷ đồng. Do đã quen biết từ trước nên Trung gật đầu đồng ý, giao cho Trưởng phòng tín dụng Hồ Văn Long hướng dẫn Cường làm hồ sơ.

Sau khi được “bật đèn xanh”, Cường nhanh chóng tận dụng sự ưu ái của Hồ Đăng Trung, chỉ đạo ông Lê Văn Tuấn ký hồ sơ đề nghị vay 700 tỷ đồng. Mục đích vay là để thanh toán tiền đền bù giải tỏa mặt bằng và các chi phí để thực hiện dự án trên. Tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và các quyền sử dụng đất.

Bất chấp hồ sơ không đạt yêu cầu, Hồ Văn Long và nhóm cán bộ dưới quyền không thẩm định, kiểm tra điều kiện vay vốn, tính pháp lý và tài sản đảm bảo, khả năng tài chính…mà phê duyệt “đủ điều kiện vốn” và đề xuất để Ban giám đốc chi nhánh duyệt cho vay.

Trên cơ sở đó, từ ngày 4/12/2007 đến 19/9/2008, Agribank chi nhánh 6 đã giải ngân cho Thanh Phát vay tổng cộng 628 tỷ đồng bằng 16 giấy nhận nợ. Trong đó, chỉ trong 2 ngày liên tiếp là ngày 4 và ngày 5/12/2007, Agribank chi nhánh 6 đã giải ngân cho Cường 200 tỷ đồng, nhiều hợp đồng không được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Cũng với thủ đoạn trước đó, sau khi được giải ngân, ngày 10/4/2008, Cường lại làm đơn gửi đến Agribank chi nhánh 6 mượn lại 23 GCNQSDĐ với lý do để trình UBND TP.HCM duyệt dự án, thời hạn 30 ngày. Đề nghị trên của Cường tiếp tục được đáp ứng.

Siêu lừa “làm xiếc”

Ngay sau khi rút được các GCNQSDĐ trên, Cường và đồng bọn đem đến gặp ông Trầm Bê đặt vấn đề vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam. Ông Trầm Bê nói nếu có tài sản thế chấp thì cho vay. Từ đó, Cường đã dùng tài sản đang thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 tiếp tục thế chấp vay tiền và vàng tại Phương Nam.

{keywords}
Bị cáo Dương Thanh Cường sau phiên xử.

Ngày 12/4/2008, Cường ký hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng Phương Nam 190 tỷ đồng. Ngày 31/5/2008, Cường ký vay tiếp của ngân hàng này 130 tỷ đồng và 5.000 lượng vàng SJC. Với hai hợp đồng tín dụng trên, ngân hàng này đã giải ngân tổng cộng 187,3 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng.

Với việc dùng các giấy tờ trên để thế chấp vay tiền mà không trả lại cho Agribank chi nhánh 6, Cường và đồng bọn đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Tại tòa, trả lời câu hỏi của chủ tọa về dòng tiền đi ra từ Agribank chi nhánh 6 sau đó được sử dụng vào những việc gì, bị cáo Cường bình thản khai, nhiều chi tiết khiến người nghe phải giật mình.

Trong đó, Cường khai đã chuyển hơn 1,4 tỷ đồng để làm từ thiện, 990 triệu đồng được chuyển vào tài khoản của một Đài truyền hình để thanh toán tiền trúng đấu giá món hàng là 1 chiếc điện thoại và 1 cây đào.

Ngoài ra, Cường cũng chuyển đi hàng trăm tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi cho các khoản vay trước đó. Bị cáo này cũng đứng ra mua một số khách sạn, nhà hàng để đầu tư kinh doanh. Trước những lời khai của “siêu lừa” về quá trình tiêu xài hàng trăm tỷ đồng tiền chiếm đoạt của Nhà nước, người nghe chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

M.Phượng