Sản lượng nhiều ngành dần chạm ngưỡng

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành NN-PTNT ngày 13/1, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ngành nông nghiệp có nhiều tin vui. Xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, xuất siêu của ngành nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022...

Song ông cho rằng, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới ngày càng khó đoán định. Bởi vậy, điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng, là sự chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện, tình huống khác nhau.

"Thay đổi cách tiếp cận sẽ tăng thêm nhiều giá trị", Bộ trưởng nhấn mạnh và dẫn lại lời của một chuyên gia “Nếu chỉ nhìn vào một thứ, bạn sẽ bỏ qua những thứ khác đôi khi có giá trị hơn gấp nhiều lần”. 

Trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, theo Bộ trường, cần tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới. 

Đồng thời, để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

Theo Bộ trường, cần tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới cho ngành nông nghiệp (Ảnh: Đức Tùng)

Bộ trưởng Hoan nhắc đến cụm từ “cần làm gì” như một nỗi trăn trở với ngành nông nghiệp trong năm 2023. Ông đặt ra nhiều câu hỏi như: làm gì để đơn giản mà tốt hơn; làm gì để tiết giảm chi phí; làm gì để các đơn vị sẵn sàng hợp tác và đi cùng nhau?... Qua đó, ông mong được Thủ tướng, các bộ ngành, hiệp hội... góp ý để ngành NN-PTNT tốt và bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người mà ẩn sâu trong đó là chiều sâu văn hóa của các vùng miền, nơi ra đời sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá cho hoạt động du lịch; quảng bá mảnh đất, con người, văn hóa của các địa phương trên cả nước.

Do đó, ông mong Bộ NN-PTNT luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ trong việc đưa các sản phẩm nông sản tham dự tại các hội chợ quốc tế, thông qua đó để quảng bá địa điểm du lịch. Đặc biệt, gắn chặt phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, hướng tới xây dựng ngành kinh tế xanh.

Sau khi ngành thủy sản đạt kỷ lục xuất khẩu gần 11 tỷ USD trong năm 2022, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam tin tưởng doanh nghiệp thủy sản có thể kết hợp văn hóa, du lịch trong các chiến lược phát triển của năm 2023.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết, mục tiêu ngành gỗ năm 2023 xuất khẩu đạt 18 tỷ USD trở lên. Nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến quý II, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Trên cơ sở đó, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ DN nước ngoài vào trồng rừng; Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.

Mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD 

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, ngành nông nghiệp đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất những năm gần đây, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

Qua nhiều thăng trầm, ngành nông nghiệp càng khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào; đóng góp vào xây dựng nền kinh tế độc lập gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khó khăn lúc nào cũng có, nhưng trong nguy có cơ (Ảnh: Đức Tùng)

Song, ông cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành, như: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ còn ít; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu nhập cho lao động nông nghiệp chưa cao.

Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022. Thủ tướng yêu cầu phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, bởi tình hình lúc nào cũng có khó khăn, nhưng "trong nguy có cơ", "núi cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi".

Về mục tiêu, ông đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%...

Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng,  ngành nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu ngay sau khi quy hoạch; quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm; đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với ngành ngân hàng đáp ứng nguồn vốn để phát triển nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra, cần đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng giao ngành có thể hoàn thành, bởi Bộ không đi một mình mà còn có các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, có bộ ngành khác và người nông dân cùng đi. Ngành nông nghiệp có nguồn lực lớn, nếu kích hoạt toàn bộ thì có rất nhiều tiềm năng, nếu chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị sẽ tạo ra không gian phát triển mới. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ mới đi, thay đổi cách tiếp cận, Bộ trưởng chia sẻ.