Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có diện tích quy hoạch gồm 7.100 ha diện tích vùng lõi và 8.000 ha diện tích vùng đệm. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar. Vườn quốc gia Xuân Thủy được Unesco công nhận là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Bắc Bộ. Vườn có hệ đa dạng sinh học cao với các loài động thực vật quý hiếm đặc biệt là các loài chim.

Vườn quốc gia Xuân Thủy có vai trò lớn vì đây là nơi dừng chân của nhiều loài chim di cư. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau có hàng chục nghìn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc dừng chân tại đây kiếm ăn. Nhiều loài là chim quý hiếm có trong Sách đỏ của thế giới như:  Rẽ mỏ thìa, Cò lạo Ấn Độ, Cò thìa, Mòng biển mỏ ngắn, Choi Choi mỏ thìa, Diệc đầu đỏ, Bồ nông. Đặc biệt, Cò thìa tại đây có thời điểm nhiều chiếm tới 20% tổng số đàn trên toàn thế giới.  Hằng năm, Vườn trở thành điểm đến của nhiều nhà khoa học, người làm công tác bảo tồn loài chim về đây nghiên cứu, đánh giá các loài chim di cư tại đây.

Vườn quốc gia Xuân Thủy có tài nguyên rừng ngập mặn, nguồn lợi thủy sinh phong phú, chim nước, chim di cư nên có giá trị về bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục môi trường, du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư tại địa phương. Vì vậy, Vườn quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp cho mục tiêu, nhiệm vụ trên.

Thứ nhất, tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư. Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên làm công tác tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định, kể cả việc xả rác, nhổ cây, bẻ cành của du khách. Vườn quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vi phạm săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học. Lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

xuân thuy .jpg
Vườn quốc gia Xuân Thủy có nhiều giải pháp bảo vệ chim hoang dã. 

Thứ hai,  Vườn thường xuyên cử các cán bộ  đến tận các xã vùng đệm để tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã. Tổ chức và duy trì các câu lạc bộ bảo tồn các loài chim hoang dã tại các xã vùng đệm.

Thứ ba, Ban quản lý Vườn đã tổ chức nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững tại Vườn, xây dựng chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Tạo thêm sinh kế như nghề làm nấm, nuôi ong rừng sú vẹt, giun quế cho người dân địa phương. 

Từ năm 2012, người dân tại các xã quanh Vườn có thể vào khai thác nguồn lợi thủy sản trên rừng ngập mặn như thả lưới đánh tôm cá, cào ngao, hến, ốc, don. Giao đất cho các hộ dân nuôi ngao quảng canh, nuôi ngao bền vững.

Thứ tư,  Vườn cũng có các pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư thực hiện các dịch vụ du lịch và quản lý bảo vệ cảnh quan sinh thái khu vực du lịch.  Vườn quốc gia Xuân Thủy đã lồng ghép thực hiện các công trình để hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái; chủ động đổi mới và xây dựng các tour tuyến mới nhằm thu hút du khách và học sinh tham quan, trải nghiệm.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi tới các sở, địa phương trong tỉnh về đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh Nam Định. 

Theo đó, tỉnh Nam Định yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật. Đẩy mạnh công tác chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV