Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) rộng 115.500 ha. Vườn có tài nguyên rừng phong phú cả về động vật và thực vật. Đặc biệt, Vườn ghi nhận là nơi cư ngụ của đàn voi lớn nhất cả nước.
Vườn quốc gia Yok Đôn luôn là điểm nóng về nạn săn bắn, đặt bẫy bắt động vật hoang dã từ thú lớn tới thú nhỏ, các loài bò sát, chim. Để tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Vườn thường xuyên phối hợp với các lực lượng kiểm lâm tỉnh tổ chức tuần tra, giám sát hoạt động xâm nhập rừng trái phép đồng thời tháo gỡ bẫy thú, cứu hộ động vật bị dính bẫy.
Các đối tượng săn trộm thú rừng sử dụng rất nhiều loại bẫy, bẫy được ngụy trang bằng những cành cây và lá khô nên các loài thú rất khó phát hiện. Các loại bẫy phổ biến như: bẫy dây, bẫy sập, bẫy cạp... Các loại bẫy này có khả năng tận diệt thú rừng từ các loài bằng nắm tay tới thú có trọng lượng cả tạ.
Khi sập bẫy, thú rừng lớn hay nhỏ đều có thể mất mạng, nhẹ thì thương tật. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phát hiện và tháo gỡ bẫy thú các loại, súng tự chế.
Những động vật hoang dã khi được cứu hộ nếu đủ sức khỏe sẽ được thả về rừng luôn. Động vật yếu, bị thương sẽ đưa về chăm sóc khi đủ điều kiện sẽ thả về môi trường tự nhiên để chúng phát triển ở thiên nhiên hoang dã.
Không chỉ cứu hộ những loài thú trong lâm phần do đơn vị quản lý, Vườn quốc gia Yok Đôn còn nuôi dưỡng nhiều động vật hoang dã do các đơn vị, tổ chức cá nhân đưa đến. Những con thú này là tang vật của các vụ mua bán trái phép hoặc các hộ dân tự nguyện giao nộp. Một số cá nhân mua lại của người bán và giao lại cho Vườn chăm sóc. Khi động vật được chăm sóc khỏe đủ điều kiện sinh tồn sẽ được tái thả. Trường hợp động vật không đủ khả năng sinh sống ở môi trường tự nhiên được Trung tâm cứu hộ của Vườn chăm sóc tới suốt đời.
Việc tiếp nhận các cá thể động vật và chăm sóc chúng không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó cũng phát triển thêm nguồn gen quý hiếm.
Xác định tuyên truyền là mục tiêu quan trọng trong giảm tình trạng săn bắt động vật hoang dã, Vườn quốc gia Yok Đôn thường xuyên tổ chức các chương trình tuyên truyên giáo dục cho học sinh về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống tội phạm mua bán động, thực vật hoang dã. Các đối tượng khác như khách du lịch, người dân sống quanh vùng đệm của Vườn cũng được tuyên truyền phổ biến nói không phải các sản phẩm từ động vật, nghiêm cấm mua bán động, thực vật hoang dã dưới mọi hình thức.
Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra giám sát về nuôi nhốt và mua bán động vật hoang dã trái phép. Cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân không tàng trữ, mua bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Vận động người dân nuôi động vật hoang dã bàn giao lại cho lực lượng kiểm lâm, tổ chức cứu hộ thả chúng về môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh của từng loại động vật.
Ngoài ra, công tác phòng chống tội phạm đa dạng sinh học cần gắn liền với công tác phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân quanh khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn.
Tỉnh Đắk Lắk có 501.206 ha rừng với nhiều động, thực vật phong phú đa dạng, đặc biệt, động vật hoang dã. Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia. |