Thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư công nghệ cao chỉ để sản xuất ốc vít... Các DN Việt Nam đang tìm mọi cách để vượt cửa ải, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cuối tháng 6/2016, một thành viên của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG): Mass Noble Investments Limited đã chính thức mua lại thành công Công ty Hanbit (Hàn Quốc) với tổng đầu tư ban đầu 10 triệu USD. Sau sở hữu, công ty sáp nhập đổi tên thành DLG-Hanbit Co. Ltd, trụ sở đặt tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Hanbit là công ty chuyên sản xuất các mặt hàng về thẻ nhớ, board mạch, đèn Led với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động và hệ thống khách hàng gắn bó trên 20 năm là những ông lớn trong ngành điện tử: Huyndai, LG, Samsung,...

Với việc trở thành “chủ nhân” mới của công ty DLG-Hanbit Co. Ltd (Hanbit), DLG chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử Hàn Quốc, trở thành đối tác của các đại gia trong lĩnh vực này.

{keywords}

Công ty Hanbit đang cung cấp linh kiện cho khách hàng là những ông lớn trong ngành điện tử: Huyndai, LG, Samsung,...

Đây là lần thứ 2 DLG lựa chọn hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để sở hữu hoàn toàn một công ty nước ngoài.

Hồi giữa năm 2015, Đức Long Gia Lai cũng đã có một thương vụ chưa có tiền lệ: phát hành gần 20 triệu cổ phiếu để hoán đổi nhằm mua lại Công ty Mass Noble Investments Limited của Mỹ, đồng nghĩa với việc trở thành chủ sở hữu nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ANSEN có trụ sở đặt tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong lĩnh vực điện tử, trong nhiều năm qua, phần lớn các DN trong nước chật vật cạnh tranh và đổi mới đầu tư để trở thành đối tác cung cấp linh kiện cho Sam Sung, LG, Huyndai và các tập đoàn điện tử lớn.

Tuy nhiên, câu chuyện “DN Việt không thể sản xuất được chiếc ốc vít cho Samsung” có lẽ đã rơi vào dĩ vãng khi DN non trẻ Songnam của doanh nhân Phạm Trung Hiếu gần đây đều đặn xuất những container ốc vít, ke nhựa hàng “made in Việt Nam” tới những thị trường khó tính nhất thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ,... và tới thẳng những nhà máy của Panasonic, LG, Toto,... đang đầu tư tại Việt Nam.

Trước đó, nhiều DN nội cũng đã thực hiện những vụ M&A DN nước ngoài để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu như: Masan mua Proconco, Thành Thành Công mua cổ phần Bourbon Tây Ninh từ tập đoàn Pháp,...

Trên thực tế, thời gian gần đây, Việt Nam được tin tưởng sẽ dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng mới của thế giới.

{keywords} 

NĐT nổi tiếng Mark Mobius - Chủ tịch Quỹ đầu tư Templeton, cho rằng, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế sẽ thay thế vị trí của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc 2 thập kỷ trước đây. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường Việt Nam sẽ mang lại cơ hội cho các NĐT.

Cựu giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, thì tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu nhờ chúng ta có nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, quy mô thị trường lớn và hội nhập mạnh mẽ...

Hiện tượng hàng loạt các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Samsung, LG, Pou Chen,... đổ vốn vào Việt Nam vài năm gần đây đang tạo điều kiện cho các DN nội tham gia vào chuỗi sản xuất của thế giới.

Tính tới cuối 2015, Samsung đã biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất đồ điện tử lớn nhất của tập đoàn này trên thế giới với số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD. 30% điện thoại di động của Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại VN với giá trị xuất khẩu lên tới khoảng 30 tỷ USD.

Hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam được đánh giá chưa có nền tảng vững chắc. DN Việt còn yếu cả về quy mô và trình độ. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu cho thấy, nhiều DN đang bắt kịp với xu thế hội nhập bằng sự sáng tạo của chính mình, với sự rộng mở của thị trường vốn và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

V. Hà