Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 (Profit500).
Dẫn đầu là Bảng xếp hạng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tiếp đến là Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty Honda Việt Nam, Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty CP, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Tín hiệu hồi phục
Năm 2020, nhân loại phải đối mặt với mối nguy hại từ đại dịch Covid-19. Điều này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam “ngấm đòn” Covid-19.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dẫn đầu Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 (Profit500). |
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh. Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan, có tới 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, đặc biệt trong số này có đến 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn thách thức lớn, nhưng dần dần các doanh nghiệp đã lấy lại được sự tự tin và đà hồi phục. Khảo sát được Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2020 cho thấy, có 77,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm, trong đó 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm. Có 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm và 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch năm 2020.
Trong bảng xếp hạng năm nay, một số ngành tiếp tục ghi nhận có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn so với mặt bằng chung của toàn bảng: ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành tài chính (11,6%), ngành thực phẩm đồ uống (10,9%%), ngành điện (6,3%).
Khả năng sinh lời của doanh nghiệp đạt 11,4%, giảm không đáng kể so với mức 11,9% năm 2019. Không những thế, chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) bình quân của các doanh nghiệp đã tăng lên 21,7%, cao hơn so với 20,9% của năm 2019. Như vậy cũng có nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp có chiều hướng tốt hơn. Các doanh nghiệp FDI có khả năng sinh lời cao nhất, sau đó đến khối doan nghiệp Nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể so với năm 2019.
Để có được kết quả này, các doanh nghiệp cho biết, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó, chống lại các tác động tiêu cực của đại dịch Covid. Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, các giải pháp được đa số doanh nghiệp áp dụng là: nỗ lực duy trì khách hàng trung thành; đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính; cắt giảm chi phí; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mới; thay đổi kế hoạch bán hàng, đổi mới cách thức marketing,...
Các doanh nghiệp cũng nêu ra 4 vấn đề quan trọng cần Chính phủ và các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung giải quyết |
Kỳ vọng cuối năm
Nhìn về cuối năm, các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng cũng cho biết, có 4 chiến lược ưu tiên để tăng lợi nhuận, bao gồm: thúc đẩy bán hàng, cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá, khuyến mãi; tìm kiếm và mở rộng thị trường; nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm mới; tiếp tục cắt giảm chi phí.
Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số. Có tới 65% doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được hỏi cho biết, sẽ số hóa các hoạt động quản trị kinh doanh; 58,3% cho biết sẽ phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số và 56,7% sẽ tăng chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ.
Với những kế hoạch như vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiết kiệm tối đa chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần; khám phá nhóm khách hàng tiềm năng, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng; mở rộng kênh phân phối để phát triển mạng lưới và tự động hóa các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ trên vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế và bất cập.
Các doanh nghiệp cũng nêu ra 4 vấn đề quan trọng nhất, cần Chính phủ và các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung giải quyết là: tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế; tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ giảm lãi vay, sửa đổi và nới lỏng điều kiện về thời gian đóng BHXH cũng như giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp.
Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng và nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp tin tưởng rằng những tháng cuối năm sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận cao hơn, cứu vãn cho cả năm 2020.
Trần Thủy