Cuốn sách gồm 8 chương ghi lại nội dung 8 buổi nói chuyện có tính ngẫu hứng của Krishnamurti trước hàng trăm người, diễn ra dưới bóng râm của một rừng sồi nhỏ ở thung lũng Ojai (California, Mỹ) vào mùa hè năm 1955.
Tại đây, Krishnamurti đã dẫn dắt người nghe nhìn thẳng vào sự hỗn loạn, những thói quen và tư tưởng của một trí não bị ảnh hưởng bởi mọi sự quy định, đồng thời khám phá ra đây là nguồn gốc của mọi bạo lực cũng như khổ đau trên thế giới.
Trong Như ta là, Krishnamurti không thảo luận về việc cải thiện bản thân theo bất kỳ phương hướng hay một khuôn mẫu cao quý nào. Ông cho rằng có nhiều vấn đề của con người vốn không thể giải quyết được, trừ khi có một cuộc cách mạng nền tảng của trí não. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện bởi trí não của chúng ta vốn đã được đào tạo để tiếp thu kiến thức từ người khác, tuân theo các khuôn mẫu xã hội hay những thói quen, giáo điều xưa cũ.
Theo Krishnamurti, trí não không đơn thuần là cái tâm thức đang thức tỉnh mà còn là các tầng lớp thâm sâu của vô thức, chứa toàn bộ tàn dư của quá khứ. Nếu tâm thức đó không được tự do hoàn toàn cuộc tìm kiếm học hỏi của ta sẽ bị hạn chế, khiến trí não trở nên nông cạn và nhỏ hẹp.
Để một trí não có thể tự giải thoát chính mình, Krishnamurti thuyết phục người nghe dũng cảm nhìn vào tâm trí mình, vượt qua sự hỗn loạn bên trong. Ông chỉ ra, điều quan trọng là phải thấu hiểu sự vận hành của trí não. Không phải bằng cách phân tích chính mình hay quan sát bên trong mà bằng cách nhận thức toàn bộ tiến trình của nó.
Xuyên suốt cuốn sách, Krishnamurti nhấn mạnh, con đường duy nhất để khám phá ra sự thật cốt lõi của tâm trí, là phải tự biết mình, thấy “như ta là” trong thực tại, chứ không phải “ta phải là” hay “ta nên là”.
Đi qua 8 buổi nói chuyện cởi mở và sâu sắc, Krishnamurti từng bước phơi bày sự hỗn loạn trong tâm trí, đồng thời bóc tách cách trí não vận hành theo những lối mòn được thiết lập sẵn. Ông chỉ ra rằng bằng cách tự nhìn thấy trí não của mình đang bị chi phối bởi những uy quyền, khuôn khổ, phạm vi, truyền thống, quy định… con người mới có thể thoát ra khỏi tất cả những điều đó.
“Quan trọng là bạn phải hiểu chính mình, bởi tự biết mình chính là sự khởi đầu của trí tuệ. Tất cả những gì tôi muốn nói là hãy tự biết mình sâu hơn nữa. Hãy nhìn bản thân như bạn thực sự đang là - điều mà không ai có thể dạy cho bạn. Và bạn không thể nhìn bản thân như bạn đang là nếu còn bị trói buộc bởi những giáo điều, mê tín, hay sợ hãi”, Krishnamurti nhắn nhủ.
Thông qua sự dẫn dắt đầy tính khai mở và cái nhìn trực diện của Krishnamurti, bạn đọc có thể tự suy nghiệm để thấu hiểu bản thân. Những triết lý sâu sắc vượt thời đại của ông như ngọn đuốc soi sáng chúng ta vững bước hơn trên hành trình giải thoát tâm trí.
Trong Như ta là, ông can đảm đối diện với những vấn đề thiết yếu của xã hội và dẫn dắt người nghe nhìn nhận chúng để tự mình thấu hiểu, khám phá mọi sự thật bằng một tâm thức tự do hoàn toàn.
Chẳng hạn, khi bàn về bản chất của việc thay đổi thói quen, Krishnamurti khẳng định: “Về bản chất, trí não tìm kiếm cảm giác an toàn, yên ổn lâu dài. Trí não ghét tình trạng không chắc chắn, vì thế nó phải có những thói quen như là phương tiện để được an toàn. Thế nhưng, một trí não không an toàn lại thôi thúc chúng ta không ngừng khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ. Chỉ một trí não như thế mới có thể thoát khỏi thói quen, và đó là hình thức tư duy cao nhất”.
Cuối mỗi buổi nói chuyện, ông giúp cử tọa giải đáp một số thắc mắc trong cuộc sống hằng ngày như việc nuôi dạy con cái, chứng căng thẳng thần kinh, tình trạng phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên... Bằng ngôn từ giản dị, cách tiếp cận trực diện cùng những lập luận thuyết phục vốn có của mình, Krishnamurti mang đến cho người nghe kiến thức khai sáng đầy thông tuệ, nhận thức mới mẻ về mặt tâm linh. Những điều suy nghiệm này tuy được ông nói ra từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng vẫn chứa đựng giá trị mới mẻ và thiết thực cho đến ngày hôm nay.
Như ta là, theo ý định của Krishnamurti, không phải là một cuốn sách để bạn có thể tìm thấy ngay câu trả lời cho những vấn đề của mình. Mà đúng hơn, nó đem lại cho người đọc sự chiêm nghiệm và khai mở tư duy qua từng trang sách.
Mỗi người, qua những cuộc đối thoại với Krishnamurti, sẽ phải tự mình khám phá, học cách sống trong từng khoảnh khắc “như ta là” để khơi mở trí tuệ bên trong.
Phương Thanh