“Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế - xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh và sau 35 năm Đổi mới,” Báo cáo khẳng định.
Theo đó, GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng USD năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trên, các chuyên gia cũng lưu ý Việt Nam, với vị trí hiện tại là quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp, đang phải đối mặt với chặng đường đầy thách thức trong thời gian tới để đạt tới các ngưỡng của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.
Tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía bắc. Người lao động đồng bào dân tộc thiểu số đang dịch chuyển nhanh sang làm việc ở các lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến, với tốc độ tương đương như dân tộc Kinh ở đầu thập kỷ...
Nhìn tổng thể sự tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn vừa qua có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ… Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể ở phổ rộng, tình trạng người nghèo vẫn là mối quan ngại hàng đầu.
Covid-19 sẽ làm thành quả giảm nghèo bị tụt lùi và làm gia tăng bất bình đẳng trên cả góc độ tiền tệ và phi tiền tệ… Tuy nhiên, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là công cụ chính sách đã tồn tại lâu nay và vẫn phát huy vai trò trong công cuộc giảm nghèo.
Chặng đường kế tiếp là con đường dẫn đến mức sống của quốc gia có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao… Để Việt Nam phát huy những thành tựu đạt được cũng như giải quyết những khó khăn, thách thức giai đoạn kế tiếp, các chuyên gia cho rằng, các chương trình hỗ trợ theo địa bàn và hộ gia đình cần tập trung hơn vào lựa chọn đối tượng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tăng trưởng năng suất nông nghiệp để duy trì sinh kế cho những người vẫn ở lại với hệ thống kinh tế nông thôn, vốn đang phải đối mặt với thay đổi lớn về cơ cấu. Giúp người dân có khả năng tiếp cận kiến thức và đổi mới sáng tạo, bao gồm áp dụng công nghệ số phù hợp là cách để hỗ trợ nâng cao năng suất theo hướng thay thế các phương thức thâm dụng lao động cũng là một khuyến nghị được WB đưa ra.
Diệu Thúy, Mai Hương, Lê Thúy