Khẩu trang được bán tại một cửa hàng tiện lợi gần ga JR Shimbashi, Tokyo, Nhật Bản hôm 4/2. Khách hàng chỉ được mua 2 hộp/nhóm do khan hiếm khẩu trang. Ảnh: KYODO

Các công ty như Amazon Nhật Bản, Rakuten, Mercari tăng cường ngăn chặn tình trạng trục lợi xảy ra sau khi nhiều mặt hàng bị đẩy giá cao gấp 10 đến 15 lần so với thông thường. Nó phổ biến tới mức chính phủ Nhật Bản cũng phải chú ý.

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe được cho là đang soạn thảo các biện pháp xóa bỏ tình trạng khan hiếm khẩu trang như cấm tích trữ, bán lại khẩu trang trên mạng. Người vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Phát biểu trên Diet mới đây, ông Abe cho biết đang cân nhắc các biện pháp pháp lý ràng buộc đối với những ai mua khẩu trang số lượng lớn nhằm mục đích bán lại.

Đầu tuần này, Amazon.com nói họ cảm thấy “thất vọng vì đối tượng xấu cố nâng giá các nhu yếu phẩm giữa khủng hoảng y tế toàn cầu”. Công ty thừa nhận đã xóa hoặc gỡ hàng chục ngàn mặt hàng như vậy.

Mercari, một trong các chợ điện tử phổ biến nhất nước này, đang giám sát người bán khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, các mặt hàng có nhu cầu cao khác và sẽ loại bỏ những mặt hàng lệch khỏi chuẩn mực xã hội. Cụ thể, những hàng hóa bị đẩy giá cao vọt là đối tượng phải thi hành chính sách gỡ bỏ.

Những biện pháp nghiêm khắc được triển khai đáp lại lời kêu gọi của chính phủ và các chiến dịch trực tuyến đòi hỏi hành động ngay lập tức. Chẳng hạn, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) tuần trước ra tuyên bố kêu gọi các cửa hàng trực tuyến cấm đấu giá khẩu trang và nước rửa tay “trong thời gian này” từ ngày 14/3.

METI cho biết yêu cầu của Bộ nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa được mua số lượng lớn để bán lại và giúp giảm tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường.

Một chiến dịch trên nền tảng Change.org hối thúc các trang thương mại điện tử cấm đấu giá khẩu trang. Ryo Suzuki, người khởi xướng chiến dịch, nói anh hành động vì tin rằng việc tích trữ, thổi giá đang góp phần tạo ra tình trạng khan hiếm tại cửa hàng, gây rủi ro cho những người thực sự cần chúng. Anh cho rằng việc bán lại khẩu trang trên các website khiến những người không thực sự cần lại sở hữu quá nhiều, còn những người cần lại không có.

Hành động quyết liệt của các nền tảng thương mại điện tử khiến khẩu trang giá cao biến mất khỏi một số trang như Mercari. Tuy nhiên, nhiều người chuyển sang Yahoo Aucton để tiêu thụ “núi” khẩu trang họ tích trữ được. Theo Japan Times, tính đến ngày 5/3, khẩu trang vẫn được bán trên Yahoo Auction với khối lượng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn.

Thông báo trên website Yahoo Auction hôm 4/3 viết họ sẽ bắt đầu cấm các sản phẩm như vậy từ ngày 14/3 theo yêu cầu của METI.