Lời tòa soạn: Khoảng tối bị coi là "luật bất thành văn" trong hoạt động đăng kiểm lộ dần sau những tiêu cực, sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm bị phơi bày. Thực trạng này cần những giải pháp mạnh tay để "làm sạch chính mình", chuẩn hóa con người, thiết bị và tường minh trong xã hội hóa.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ bức xúc trước những sai phạm “có hệ thống” xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.

Xã hội hóa phải đi kèm với kiểm tra, giám sát, phòng ngừa

Sự việc bắt nguồn từ một vài trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM rồi lan rộng ra cả nước, từ cấp độ địa phương lên đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

“Nếu chúng ta xử lý được từ sớm, từ xa thì bây giờ không để xảy ra hiện tượng hàng loạt trung tâm sai phạm như thế này. Giống như virus Việt Á, "virus" đăng kiểm lây từ Nam ra Bắc, từ thành phố lớn đến các tỉnh, thành địa phương, lên cả trung ương”, đại biểu Xuân An bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ảnh: N. Huyền)

Khẳng định xã hội hóa đăng kiểm là hướng đi đúng, theo đại biểu Trịnh Xuân An, hiện nay không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà các lĩnh vực khác cũng đề cao xã hội hóa.

Vì đến lúc nào đó Nhà nước không thể đứng ra làm hết mọi thứ, nhất là những dịch vụ công, dịch vụ liên quan trực tiếp đến khối lượng, số lượng, đặc biệt là nhu cầu hằng ngày của người dân.

“Xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là chủ trương đúng. Xã hội hóa hoạt động đăng kiểm được triển khai từ sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2018 ra đời. Nếu không có hệ thống đăng kiểm theo mô hình kinh doanh có điều kiện thì chúng ta rất khó để quản lý số lượng phương tiện lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, xã hội hóa đến đâu, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước thế nào, đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát để cho hoạt động xã hội hóa đúng đường ray của pháp luật, không xảy ra tiêu cực là việc cần phải lưu tâm”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Phân tích thêm, đại biểu cho rằng, dù hệ thống chính sách về vấn đề này đã có nhưng chưa đủ mạnh, chưa chặt chẽ, vẫn còn những “lỗ hổng” tạo ra kẽ hở, trong đó có vấn đề ở khâu giám sát.

“Mục đích của xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là đúng nhưng cách thức triển khai thì chưa làm tốt từ khâu kiểm tra, giám sát nên dẫn đến việc lợi dụng hoạt động này để trục lợi.

Lâu nay, hầu hết các lĩnh vực triển khai mô hình xã hội hóa như y tế, giáo dục, đăng kiểm… nếu không có kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, không có hệ thống quy định tường minh, rõ ràng các bước thì trước sau dễ dẫn đến sai phạm.

Xã hội hóa là khi doanh nghiệp có lợi mới làm. Khi lợi ích đó có hệ thống pháp luật minh bạch, có giám sát, có hướng dẫn, có kiểm tra sát sao, lợi ích đó không nhiều.

Tuy nhiên, nếu buông lỏng khâu quản lý, giám sát, họ sẵn sàng bất chấp mọi thứ để nâng lợi ích lên. Các doanh nghiệp đăng kiểm cũng như vậy thôi”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Có tiêu chuẩn tự động sẽ hạn chế tiêu cực xảy ra

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, để phát huy được hiệu quả hoạt động xã hội hóa đăng kiểm, loại hình kinh doanh có điều kiện cần phải có hệ thống quy định rõ ràng, phải có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể.

Đăng kiểm giống như ngành y. Nếu y tế kiểm tra sức khoẻ cho người dân thì đăng kiểm là kiểm tra “sức khoẻ, thể trạng” cho phương tiện nên cần chặt chẽ. Thậm chí còn phải đánh giá năng lực của kiểm định viên, phải có kỳ sát hạch thường xuyên.

Xã hội hóa là chủ trương đúng nhưng cần bổ sung, điều chỉnh những quy định nhằm tránh tình trạng ai cũng có thể làm đăng kiểm.  Ảnh: Anh Hùng 

Ngoài ra, cũng cần phải có hệ thống quy hoạch tổng thể mạng lưới đăng kiểm với điều kiện thành lập rõ ràng từ cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kiểm định viên. Đặc biệt là điều kiện cho người đăng ký thành lập trung tâm đăng kiểm.

“Hiện một số quy định trong đăng kiểm vừa thiếu, vừa thừa. Ví dụ, quy định đăng kiểm đối với xe lần đầu - điều này là không cần thiết.

Hay tại sao chủ phương tiện cứ phải đánh xe đến trạm đăng kiểm? Hệ thống đăng kiểm ở các nước trên thế giới làm chặt hơn nước ta nhưng thủ tục của họ đơn giản, tránh sự tương tác trực tiếp giữa chủ xe với cơ quan đăng kiểm.

Cái tồn tại của hệ thống đăng kiểm hiện nay là tạo nên cơ hội để dẫn đến tiêu cực. Do đó, nếu chúng ta có hệ thống đăng kiểm tự động, có tiêu chuẩn tự động, sẽ hạn chế những tiêu cực xảy ra”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, vấn đề hiện nay là cần phải rà soát lại nghị định về hoạt động đăng kiểm. Cần thiết thì luật hóa những quy định tại nghị định đã được triển khai lâu nay nhằm quản lý chặt chẽ dịch vụ này. 

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực hoạt động giữa khu vực công và tư còn mập mờ. Đặc biệt, năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực.

Ủng hộ hoạt động xã hội hóa, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước. Nghĩa là Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi, vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm, hoạt động đăng kiểm.