Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bởi bước ngoặt khi vùng đất Vũng Cộp, thuộc bản Chanh của xã, được huyện Quan Sơn quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung có chất lượng cao, với quy mô lên tới 250 ha.

Trên cơ sở quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, từ đầu năm 2018, huyện đã mời được doanh nghiệp tư nhân sản xuất y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất. Sự vào cuộc của doanh nghiệp đã biến cánh rừng nghèo kiệt chỉ toàn lau lách thành những vườn trồng các loại cây dược liệu quý, như: Thổ phục linh, hà thủ ô, mã tiền. Hiện diện tích được liên kết với doanh nghiệp tư nhân sản xuất y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa để trồng cây dược liệu trên vùng đất Vũng Cộp đã đạt hơn 200 ha.

{keywords}
Để phát huy thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, xã Sơn Thủy đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. 

Ông Lương Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, do vùng đất Vũng Cộp khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 độ C đến 25 độ C, độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, đất đai phù hợp, nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá bước đầu, 1 ha trồng cây thổ phục linh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/vụ; nhưng trồng cây mã tiền, hà thủ ô có thể cho thu nhập đạt tới 300 – 400 triệu đồng/vụ. Đây thực sự là cơ hội “vàng” giúp cho các hộ dân có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sơn Thủy còn phát huy thế mạnh về diện tích đất lâm nghiệp lớn, xã đã chỉ đạo người dân tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng luồng, nứa, vầu. Theo đó, xã đã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp thâm canh vào quá trình chăm sóc rừng luồng. Đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, nâng cao giá trị kinh tế cho diện tích luồng, nứa, vầu của xã. Nhờ đó, sản lượng khai thác lâm sản những năm gần đây được tăng lên rõ rệt. Hiện sản lượng khai thác luồng của toàn xã mỗi năm đạt hơn 26.000 tấn đối với luồng cây, 640.000 cọc đối với luồng cọc và khai thác được khoảng 1.510 tấn nan thanh. Trên địa bàn xã có 9 xưởng sơ chế tăm mành, 3 xưởng chế biến đũa đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh phát triển nông, lâm nghiệp, xã Sơn Thủy còn tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc kết hợp nuôi chăn thả với nuôi nhốt và trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn, tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi. Theo đó, xã đã vận động các hộ dân tận dụng diện tích đất vườn nhà để trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho con nuôi. Mở các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, lồng ghép các chương trình đào tạo kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm. Nhờ đó, giúp các hộ dân dần thay đổi tư duy, thói quen từ chăn nuôi theo hình thức thả rông sang nuôi bán chăn thả, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn xã đạt hơn 19.000 con, phát triển được 25 gia trại. Đáng chú ý, nhiều năm liền trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm bị chết do đói, rét.

Việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế đã giúp thu nhập, đời sống của người dân trong xã ngày càng được nâng lên, kinh tế, diện mạo của địa phương ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau tăng so với năm trước, thu nhập bình quân đầu người 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 16 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,49%. Đây là cơ sở, nền tảng để xã Sơn Thủy nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới.

Để Sơn Thủy tiếp tục phát triển, trở thành xã nông thôn mới, thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Duy trì tốc độ tăng trưởng, từng bước phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp toàn diện và bền vững.

Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của từng bản để đưa vào sản xuất. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, vận động nhân dân mạnh dạn tăng vụ, sử dụng đất quay vòng để tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, tăng cường phát triển các gia trại, trang trại cả về số lượng và chất lượng, chú trọng phát triển một số con nuôi đặc sản của địa phương.

Phát triển lâm nghiệp gắn với khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đồng thời, đẩy mạnh việc cải tạo môi trường rừng sản xuất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải tạo, phục tráng rừng luồng. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nhất là doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp, chế biến lâm nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng các tiêu chí nông thôn mới bằng cách lồng ghép các chương trình, dự án, từng bước phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Kim Chi
Ảnh: Bảo Phùng