Thách thức về nguồn vốn cho phát triển xanh

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho hay, phát triển xanh ở Việt Nam đang có hai thách thức lớn. Đó là nguồn vốn và năng lực đổi mới với phát triển xanh.

Nói về nguồn vốn, ông Nam dẫn thông tin từ WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến ngày 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, mới đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Do đó, ông Nam cho rằng, việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh là một thách thức. 

“Khi chúng tôi làm việc với các định chế tài chính trên thế giới, chúng ta hay nói là lấy nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh sẽ rẻ hơn, nhưng thực tế không còn rẻ nữa. Thậm chí, nguồn vốn trong nước hiện còn rẻ hơn quốc tế. Lãi suất của Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), các nước châu Âu đang ở mức rất cao, hơn cả Việt Nam, chưa bao giờ như vậy. 

Tuy nhiên, nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế vẫn quan trọng về lâu dài để tiến đến trái phiếu xanh, tín dụng xanh”, ông Nam nói.

tin dung xanh.jpg
Nhiều ngân hàng tài trợ vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh: Tô Hùng)

Thách thức thứ hai là năng lực đổi mới với phát triển xanh, trong đó bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Ông Nam cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng với quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành. 

Tuy nhiên, theo ông Nam, song hành với thách thức luôn có cơ hội. Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.

Chuyển đổi xanh sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh còn giúp thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biết các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Đối với ngành ngân hàng, NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. NHNN cũng đã ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn. 

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng quy định về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng xanh. 

“NHNN định hướng mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10% từ khoảng 4,2% hiện nay. Đây là con số thách thức, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được”, ông Nam nói.

Ngân hàng tài trợ vốn cho phát triển bền vững

Lãnh đạo HDBank cho hay đã làm việc IFC, Proparco, ADB để thúc đẩy nguồn tín dụng xanh và đạt được kết quả tích cực.

Ngân hàng này cũng tài trợ nhiều dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, đã dành hạn mức gần 8.000 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời (solar farm), hơn 6.100 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà và hơn 750 tỷ đồng cho dự án điện gió. Tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo mà HDBank đã tài trợ lên tới 625 dự án.

Còn ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, chia sẻ, SHB luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. 

Định hướng giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh, gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên...

Trong khi đó, bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam, thông tin, sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố cam kết Net Zero tại COP26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. 

HSBC cũng phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức để đưa ra chương trình hành động, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường quốc tế. 

“Chúng tôi đã trực tiếp thu xếp được 2 tỷ USD cho các dự án, đồng hành với khách hàng trong chuyển đổi xanh, giúp họ chuyển đổi công nghệ, xây dựng các khung chính sách. Năm 2021, HSBC đã làm việc với Vingroup xây dựng khung tài trợ xanh, thu xếp trái phiếu chuyển đổi bền vững đầu tiên”, bà Nga chia sẻ.

Nguyễn Lê