Kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, theo WTO ước tính, các nước trên thế giới đã áp đặt hàng loạt các biện pháp bảo hộ kinh tế để tự hồi phục lại nền kinh tế quốc gia, giảm thiểu sự tác động của hàng hóa nhập khẩu. 

Trong đó Mỹ, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu (EU) là những quốc gia áp đặt nhiều lệnh bảo hộ kinh tế nhất kể từ năm 2008 cho tới nay, bất chấp những nỗ lực kêu gọi gỡ bỏ và phản đối từ WTO.

Ngày nay, trước sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của ngành xe điện tới từ Trung Quốc, nguy cơ về một làn sóng bảo hộ mới của chính phủ các nước đối với lĩnh vực xe điện đang xuất hiện và dự báo ngày một gia tăng.

Lo ngại xe điện giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Quốc tế 

Dây chuyền sản xuất xe điện Xpeng tại Triệu Khánh, Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Xe điện giá rẻ chính là chìa khóa cho khả năng phát triển nhanh chóng của ngành ô tô Trung Quốc trong thời điểm hiện nay và nó thực sự khiến cho những nhà sản xuất có tiếng trên thế giới phải dè chừng. 

Hàng loạt các hãng xe nước ngoài từng làm mưa làm gió tại thị trường Trung Quốc tới từ Nhật Bản, Pháp hay Mỹ đã, đang và sắp tới sẽ không còn khả năng cạnh tranh đối với những nhà sản xuất nội địa. Ngược lại, trên thị trường quốc tế, những “ông lớn” này cũng dần cảm thấy sức nóng đến từ quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Ủy ban Châu Âu cho biết thị phần xe điện của Trung Quốc bán ở châu Âu đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025, đồng thời lưu ý rằng giá bán thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất. Các mẫu xe phổ biến của Trung Quốc được xuất khẩu sang châu Âu bao gồm MG của SAIC và Volvo của Geely.

Còn tại Triển lãm ô tô Munich 2023 năm nay chứng kiến sự góp mặt của khoảng 41% công ty có trụ sở tại châu Á, với số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi năm 2021, nhờ đó lần đầu tiên vượt qua chủ nhà Đức để trở thành quốc gia có số lượng thương hiệu tham gia nhiều nhất.

Mẫu SUV Atto 3 của BYD bày bán tại thị trường châu Âu. Ảnh: BYD.

Sự gia tăng các hoạt động của xe điện Trung Quốc đã khiến Ủy ban Châu Âu mở cuộc điều tra nhắm vào hoạt động “tài trợ” của chính quyền Trung Quốc đối với ngành công nghiệp xe điện. Đây là hoạt động điều tra mang tính quy mô đầu tiên mà một tổ chức quốc tế thực hiện đối với ngành ô tô Trung Quốc trong thế kỷ này.

Theo báo cáo của The Nikkei, trong một thập kỷ vừa qua, chính phủ Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đô la để tài trợ cho các nhà sản xuất xe điện quốc nội cũng như trợ giá xe điện cho người tiêu dùng nhằm tạo thói quen thị trường. 

Bảo hộ sản xuất là cách duy nhất chống lại sự "xâm lấn" của xe điện Trung Quốc

Mỹ là quốc gia thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ xe điện nhất khi liên tiếp trong 2 đời Tổng thống gần đây đã tung ra nhiều chính sách bảo vệ ngành ô tô quốc nội. 

Tổng thống Joe Biden có nhiều chính sách thúc đẩy ngành xe điện nội địa Mỹ. 

Dưới thời cựu Tổng thống Donal Trump, Washington đã áp mức thuế quan nhập khẩu 27,5% nhắm trực tiếp vào ô tô sản xuất từ Trung Quốc. Chính sách này tiếp tục được thừa hưởng dưới thời Tổng thống Joe Biden, bên cạnh đó, ông còn tiếp tục ban hành một sự bảo hộ mới với Đạo luật Giảm lạm phát, cung cấp mức tín dụng thuế 7.500 đô la đối với người mua xe điện sản xuất tại Bắc Mỹ. 

Những chính sách này phát huy hiệu quả tuyệt đối khi gần như tách biệt thị trường Mỹ khỏi sự ảnh hưởng của xe điện giá rẻ Trung Quốc, nhưng ngược lại, nó khiến người Mỹ gần như không có bất cứ sự lựa chọn nào đối với xe điện giá rẻ, phần nào làm chậm quá trình điện khí hóa của ngành ô tô quốc gia. 

Nối tiếp Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang rục rịch chuẩn bị các biện pháp bảo hộ mới đối với ngành xe điện của mình nhằm ngăn sự cạnh tranh tới từ Trung Quốc.

Pháp, quốc gia chủ chốt của khối đã “khai màn” hoạt động này thông qua chính sách trợ giá đối với xe điện tới từ châu Âu nhằm tăng tính cạnh tranh với xe điện Trung Quốc nhập khẩu. 

Bất chấp các hệ lụy mà chính sách bảo hộ xe điện nội địa gây ra, việc các chính phủ can thiệp vào nền kinh tế thị trường nhằm ngăn chặn các tác nhân bên ngoài là điều hoàn toàn cần thiết để ngành sản xuất trong nước giảm bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xe điện và đây cũng được đánh giá là loại hình phương tiện mới của tương lai. Việc xe điện Trung Quốc tràn ngập các thị trường quốc tế sẽ nhanh chóng khiến cho sức cạnh tranh của các hãng xe địa phương bị giảm sút một cách đáng kể, từ đó dẫn tới sự thụt lùi của ngành xe điện quốc gia. 

Trước sự thách thức mạnh mẽ từ xe điện giá rẻ Trung Quốc, làn sóng bảo hộ xe điện được đánh giá là sẽ còn tiếp tục diễn ra trong một tương lai không xa sắp tới. 

Hùng Dũng (Tổng hợp)