Xe Nhật hay xe Đức là câu hỏi quen thuộc với những người đam mê ô tô. Một bên ngả mũ trước sức mạnh và tốc độ của khối động cơ Đức, trong khi bên còn lại ngưỡng mộ độ tin cậy và giá trị đồng tiền dùng cho một chiếc xe Nhật.

Trong nhiều thập kỷ, hai nước đã thay phiên nhau chiếm giữ vị trí nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới. Song, sự thống trị của Đức, Nhật đang đi đến hồi kết khi Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, cũng đang trên đà vượt mặt hàng loạt tên tuổi lớn về xuất khẩu.

Trung Quốc cho thấy bước nhảy vọt về số lượng xe hơi xuất khẩu.

Chỉ mới vài năm trước, nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn rơi vào tình trạng bị đình trệ. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu dưới 375.000 ô tô mỗi năm, ít hơn Ấn Độ và chỉ bằng lượng xuất khẩu của Đức và Nhật Bản trong một tháng. Nhưng kể từ năm 2020, đất nước này đã thay đổi.

Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu gần 1,6 triệu ô tô. Đến năm 2022, con số là 2,7 triệu chiếc. Doanh số bán hàng quốc tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023. Dữ liệu hải quan cho thấy quốc gia này đã xuất xưởng gần 2 triệu ô tô trong sáu tháng đầu năm, tức hơn 10.000 chiếc mỗi ngày.

Ngành công nghiệp ô tô non trẻ của nước này chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia nghèo, nhưng giờ đây, nhiều người tiêu dùng phương Tây đang lần đầu tiên mua ô tô do Trung Quốc sản xuất.

Xuất khẩu sang Úc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, lên hơn 100.000 ô tô; doanh số sang Tây Ban Nha tăng gấp 17 lần lên gần 70.000 xe.

Song, nhiều chiếc xe trong số này mang nhãn hiệu phương Tây. Chẳng hạn, 10% số xe xuất khẩu vào năm 2022 là của Tesla, một công ty xe điện của Mỹ. Ngoài ra, các xe hơi dán nhãn MG, ban đầu là thương hiệu từ Anh hay Volvo, nhà sản xuất ô tô Thuỵ Điển hiện thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, cũng chiếm lượng lớn phương tiện xuất khẩu ra nước ngoài.

Đức, Nhật là các quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu xe động cơ đốt trong, còn Trung Quốc giữ vị trí số 1 xuất khẩu xe điện.

Xe điện đóng góp vai trò quan trọng trong sự gia tăng xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc. Dù sở hữu sức mạnh sản xuất to lớn, nhưng nền kinh tế thứ hai thế giới chưa bao giờ làm chủ được động cơ đốt trong, loại động cơ phức tạp chứa hàng trăm bộ phận chuyển động và rất khó lắp ráp.

Cơ khí đơn giản, chế tạo dễ dàng

Sự xuất hiện của các phương tiện chạy bằng pin, đơn giản hơn về mặt cơ khí và dễ chế tạo hơn, đã giúp Trung Quốc đuổi kịp những tên tuổi xe hơi truyền thống.

Trong vòng 10 năm, từ 2009 đến 2019, Bắc Kinh đầu tư vào công nghệ xe điện số tiền khoảng 676 tỷ NDT (100 tỷ USD) và vươn lên giành lấy vị trí dẫn đầu thế giới.

Hiện nay, xe chạy pin chiếm 1/5 doanh số bán ô tô ở Trung Quốc và 1/3 xuất khẩu. Tại Nhật Bản và Đức, lần lượt chỉ có 4% và 20% xuất khẩu là phương tiện điện.

Xe hơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại các thị trường có thu nhập cao.

Chiến tranh cũng đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga. Ngay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã dừng hoạt động tại Nga. Sự ra đi của họ cho phép các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc chiếm thị phần.

Theo hãng phân tích Autostat, trong nửa đầu năm 2023, Nga đã nhập khẩu gần 300.000 ô tô Trung Quốc trị giá 4,5 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2022. Tháng 7/2023, ô tô Trung Quốc chiếm gần 80% lượng ô tô nhập khẩu tại thị trường này.

AlixPartners, một công ty tư vấn, ước tính doanh số bán ô tô mang nhãn hiệu Trung Quốc ở nước ngoài có thể đạt 9 triệu chiếc vào năm 2030, gấp đôi lượng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm 2022.

Mặc dù những thương hiệu nội địa này vẫn còn tương đối xa lạ ở phương Tây, nhưng những chiếc ô tô này thường có giá tương đối rẻ. Trung bình, một chiếc xe "Made in China" rẻ hơn khoảng 40% so với xe do Đức sản xuất, do đó chúng dễ dàng trở nên phổ biến tại những thị trường mới nổi như Brazil.

Song, các chuyên gia nhận định, dù các nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc đạt được doanh thu lớn, nhưng rất ít người thực sự kiếm được tiền. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp này đang nhận được các khoản trợ cấp lớn của nhà nước và điều này không thể kéo dài mãi mãi.

(Theo TheEconomist)