- Bạn đọc Bùi Thị Tám, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long, trụ sở tại số 14 Tuệ Tĩnh – Bạch Đằng – Hạ Long – Quảng Ninh gửi đơn đề ngày 8/6/2014 đến các cơ quan có thẩm quyền và Báo VietNamNet khiếu nại Quyết định số  1036/QĐ-UBND ngày 23/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

TIN BÀI KHÁC

Đường làng nghề Phú Nghĩa ngập tràn trong rác

Công chức sinh con thứ 3 có bị đuổi việc không?

Thu hồi đất năm nay, bồi thường giá…năm trước? 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số 5862/VPCP-V.I ngày 18 tháng 07 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ) Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thừa nhận bạn đọc Bùi Thị Tám, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long là đối tượng thu hồi và đền bù, hỗ trợ 35.789,5m2 đất để thực hiện dự án xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu công nghiệp Cái Lân. Nhưng tại Quyết định số 1036/QĐ-UBND ngày 23 tháng 05 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lại bác khiếu nại của bà Tám đối với Quyết định số 317/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long về việc phê duyệt giá đất ở trung bình đề tính hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư khi thực hiện  dự án xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu công nghiệp Cái Lân, khiến bạn đọc tiếp tục khiếu nại.

{keywords}
Nhà máy sử lý nước thải số 1 chưa hoạt động hết công suất (ảnh bạn đọc cung cấp)

Đơn của bạn đọc Bùi Thị Tám  nêu rõ: Ngày 26 tháng 12 năm 2013 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 3566/QĐ-UBND về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2014. Thế nhưng, Quyết định số 317/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long về việc phê duyệt giá đất ở trung bình đề tính hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư khi thực hiện  dự án xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu công nghiệp Cái Lân lại áp dụng Quyết định số 3388/2012/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2013 là trái với Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về  bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất quy định: “Trường hợp bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố, cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền”.

Bạn đọc Tám cũng cho biết: Từ năm 1993 đến nay các chủ sử dụng đất đều khai hoang phục hóa, tôn tạo, san lấp và lấn biển phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng khi lập phương án đền bù, Hội đồng đền bù không bồi thường, hỗ trợ công san lấp đất… là trái với Điều 5, Luật đất đai năm 1993 và Điều 12, Luật đất đai năm 2003. Mặt khác, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn lấy nguyên số liệu kiểm kê tài sản và giá trị tài sản trên đất ngày 14 tháng 9 năm 2012 để áp giá đền bù  là không đúng, vì thực tế từ năm 2012 đến đầu năm 2014 bà Tám vẫn phải kinh doanh và chăm sóc cây trồng trên đất cũng như tu sửa công trình trên đất. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng phải kiểm kê, định giá lại giá đất và tài sản trên đất tại thời điểm năm 2014 mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Chỉ định Công ty TNHH Hoài Nam thực hiện thầu là trái quy định?

Theo tìm hiểu của bạn đọc Bùi Thị Tám thì: Dự án xây dựng nhà máy nước thải thứ 2 trong khu công nghiệp Cái Lân thuộc nguồn vốn Nhà nước cấp trên cơ sở vốn vay ODA có giá trị lên tới 150 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà nước là 105 tỷ đồng, trên cơ sở vốn vay ODA, số vốn còn lại do nhà thầu tự huy động để xây dựng công trình xử lý nước thải. Theo quy định tại Điều 1, Luật đấu thầu, các Dự án có nguồn vốn của nhà nước  từ 30% trở lên  thì phải đấu thầu công khai. Nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lại chỉ định Công ty TNHH Hoài Nam thực hiện thầu là trái quy định của Nhà nước. 

{keywords}
Đất chưa sử dụng làm sân đá bóng cho thuê (ảnh bạn đọc cung cấp)

Trong đơn khiếu nại mới nhất gửi các cơ quan có thẩm quyền, bạn đọc Bùi Thị Tám trình bày: “Doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn vì lợi ích chung nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và lợi ích chung. Nếu cần có thêm một  nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp Cái Lân, thì UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban quản lý khu công nghiệp Cái Lân cần tổ chức đấu thầu và các doanh nghiệp đều được tham gia đấu thầu”. Điều này thể hiện qua Biên bản làm việc ngày 08/06/2012 của Đoàn thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Bạn đọc Tám cũng khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi có đất và có đủ khả năng tài chính đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải”. 

Bạn đọc Tám cho biết: “Đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng trên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì một cuộc họp, có ông Đào Xuân Dần – chủ tịch UBND thành phố Hạ Long và các Trưởng ban, ngành trong tỉnh cùng dự để giải quyết đơn kiến nghị của doanh nghiệp. Trong cuộc họp, chúng tôi nói lên nguyện vọng nhiều năm nay, trình các văn bản tiếp nhận hồ sơ và nêu câu hỏi vì sao không được giải quyết? Khi UBND trả lời lại… không đúng nội dung chúng tôi mong mỏi nhất (điều này thể hiện trong 02 đĩa ghi âm cuộc họp). 

XNTM Hạ Long thuộc trường hợp ưu tiên đầu tư

.{keywords}
XNTM Hạ Long làm cảng xuất khẩu nông, lâm sản (ảnh bạn đọc cung cấp)

Bạn đọc Tám viện dẫn quy định của pháp luật  để thấy XNTM Hạ Long thuộc trường hợp được ưu tiên thực hiện dự án, không phải thực hiện thu hồi đất, bảo đảm quyền đầu tư trên đất hoặc có quyền hợp tác đầu tư theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Khoản 2 Điều 40, Luật Đất đai năm 2003 quy định “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.

- Khoản 2, Điều 41, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất: “UBND các cấp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được ra quyết định thu hồi đất hoặc thực hiện các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật để can thiệp vào việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất trong trường hợp đất không thuộc diện thu hồi”.

- Điều 42 Nghị định 84 quy định: Quyền tự đầu tư trên đất đang sử dụng trong trường hợp đất thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất kinh doanh:

“1/. Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất kinh doanh mà người đang sử dụng đất (hoặc nhiều người đang sử dụng đất liền kề nhau) có đơn xin đầu tư và có đủ các điều kiện sau đây thì được quyền tự đầu tư hoặc được chọn tổ chức, cá nhân để góp vốn lập dự án đầu tư:
a/. Có diện tích đất đang sử dụng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, phù hợp với quy mô công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b/. Có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
c/. Có đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư bảo đảm đạt yêu cầu và tiến độ dự án đã được chấp thuận”.

Ban Bạn đọc