Dù khó khăn đến đâu thì chúng ta đều quan tâm đến việc học hành để có nền tảng dân trí tốt, xóa đói giảm nghèo lâu dài.

Hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Bảo Lâm, Trà Lĩnh (Cao Bằng) trực tiếp tìm hiểu, chứng kiến cuộc sống của người dân ở đây.

Ông đã đặt câu hỏi với địa bàn 4 cái khó, là nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào dân tộc đông nhất thì chúng ta phải làm gì và đề nghị huyện, xã bàn chủ trương, biện pháp để giúp bà con có cuộc sống ấm no, thoát nghèo trong đó, tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo? Đồng thời ông cũng lưu ý, cái lo quan trọng cho đồng bào ở đây chính là nâng cao dân trí. Dù khó khăn đến đâu thì chúng ta đều quan tâm đến việc học hành để có nền tảng dân trí tốt, xóa đói giảm nghèo lâu dài. Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của xã, của huyện và của tỉnh Cao Bằng. Do đó, cần phát triển hơn nữa các mô hình trường bán trú dân nuôi, làm trường tập trung cho con em học hành.

Câu chuyện này cũng là câu chuyện của ĐBSCL- cánh đồng vàng nhưng cái nghèo vẫn đeo bám và là vũng trũng giáo dục của cả nước.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Về nơi cái nghèo níu chân chuyện học

Một nhà báo sống rất gần gũi với ĐBSCL đã chứng kiến vô vàn những câu chuyện cảm động. Một nông dân có 13 đứa con, và 12ha đất vườn, cứ mỗi một đứa con vào đại học, họ lại cắt một khoảnh đất đi bán. Lúc đứa thứ 13 vào được đại học thì cũng là lúc họ không còn "cục đất để chọi chim". Cả nhà đưa nhau xuống một chiếc ghe chèo đi khắp nơi mua trái cây đi bán kiếm tiền mưu sinh.

Một nông dân khác có 7 đứa con, và vỏn vẹn 3 công ruộng. Khó khăn đến mức nhiều lúc người cha định cho 1-2 đứa nghỉ vì không kiếm đâu ra tiền đóng học phí. Nhưng chứng kiến hàng đêm các con miệt mài học dưới ánh đèn leo lét thì ông nghĩ lại, bàn với vợ cầm cố tất cả đất đai, cả hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như những gia đình đó. Phần đông nông dân khác cũng tha thiết muốn cho con cái học hành tử tế, nhưng "lực bất tòng tâm". Cái nghèo đã buộc ĐBSCL phải sống chung với cái dốt.

Trong một chuyến thực tế xuống Hưng Thạch (Long An), chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn, thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL gặp những đứa trẻ cỡ 10-12 tuổi đi giã bàng thuê để đan nệm, túi sách nón, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Tính tiền theo bó, mỗi ngày chưa được 10.000 đồng. Khi ông hỏi, có muốn đi học không? Chúng đều trả lời, "rất muốn đi học nhưng phải nhường cho em, cha mẹ không có tiền đóng học cho con". Đây là chuyện có thể thấy ở phần đông gia đình nông dân khắp 13 tỉnh miền Tây

Theo ông Sơn, "với nhiều người dân thành phố khoản học phí chỉ là số tiền nhỏ nhưng với người nông dân thu nhập chưa tới 1USD/ngày/người thì đó là số tiền lớn lắm. Chi tiêu cho giáo dục của cư dân miền sông nước chỉ khiêm tốn ở mức 130.000 -150.000 đồng/người/năm". Rất nhiều trường hợp ở ĐBSCL 8 - 9 tuổi mới vào lớp 1. Mùa vụ suôn sẻ thì không nói làm gì, nhưng nhỡ mất mùa, sâu hại.. sẽ khiến cho nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng.

Một kết quả điều tra từng được báo chí dẫn lại cũng cho thấy, có 45,1% số người từ 15 tuổi trở lên ở địa bàn nông thôn không hoàn thành cấp học nào; 32,87% tốt nghiệp tiểu học; 13,51% có bằng trung học cơ sở và 5,43% tốt nghiệp trung học phổ thông. Chính điều này là một rào cản rất lớn để có thể giúp người dân ĐBSCL thoát nghèo vì họ đang bị hạn chế trong việc tiếp cận với những tiến bộ của xã hội cũng như những cơ hội làm giàu.

Cần một quyết tâm chính trị

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng sự sa sút của giáo dục ở ĐBSCL không chỉ do phụ huynh không có tiền đóng học phí cho con... mà lớn hơn cả là do lâu nay vùng này chưa được quân tâm đầy đủ. Cứ nhìn vào thực tế đầu tư xây dựng trường lớp ở ĐBSCL thời gian qua sẽ phần nào thấy rõ. Một lãnh đạo trong vùng đã từng than thở trước một cuộc hội thảo lớn rằng, những chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ở ĐBSCL thời gian qua mới chỉ tập trung vào xây dựng phòng học chứ không phải đầu tư xây dựng trường học. Cách đầu tư nhỏ lẻ này chẳng những không đủ sức vực dậy giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong toàn vùng mà còn làm lãng phí rất lớn nguồn tài chính của Nhà nước vì thiếu sự đồng bộ nên không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Từ những hối thúc cấp tập của xóa đói giảm nghèo, của ổn định xã hội, việc tạo một đường băng để giáo dục, đào tạo và dạy nghề ĐBSCL cất cánh không thể chần chừ thêm nữa. 

Minh Vy - Diệu Thúy