Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể

Chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) chủ trì Phiên họp lần thứ 7 để tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai phướng hướng, nhiệm vụ trong tâm năm 2024 của Ủy ban.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại Phiên họp cho biết, công tác chuyển đổi số quốc gia năm 2023 đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022; chỉ số Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.

Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (các năm 2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.

Phân tích bối cảnh, yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Trong đó, tập trung phổ cập hạ tầng số, phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số và sáng tạo ứng dụng số.

Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận đánh giá kết quả, cũng như những hạn chế trong công tác chuyển đổi số; chia sẻ bài học kinh nghiệm, giới thiệu mô hình hay; đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia thời gian tới. Trong đó, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tham luận sâu về công tác quản lý, bảo đảm an toàn, sử dụng, chia sẻ dữ liệu dùng chung; phổ cập ứng dụng thanh toán số; giải pháp để phổ cập hóa đơn điện tử. Lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc phổ cập hạ tầng viễn thông; thiết lập trung tâm dữ liệu theo mô hình thuê dịch vụ điện toán đám mây; cấp tài khoản cho người dân trong sử dụng dịch vụ trực tuyến; phổ cập kỹ năng số cho người dân... Lãnh đạo các tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông chia sẻ về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số trong các lĩnh vực...

Chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, không để ai bị bỏ lại phía sau

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

Thủ tướng đánh giá năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với 6 kết quả chính, như: triển khai hiệu quả Năm Dữ liệu số Quốc gia, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực với gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng.

Theo thống kê đến năm 2023, tại Việt Nam tỉ lệ người dân sử dụng internet đạt 79,1%, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 57,3% đứng thứ 10 thế giới. Tuy nhiên trong kỉ nguyên thông minh, nó cũng đặt ra nhiều thách thức.

Cuối tháng 6 vừa qua,  tạisự kiện VNNIC Internet Conference 2023, do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức đã diễn ra với chủ đề “Quản trị internet trong kỉ nguyên thông minh”, chia sẻ với báo chí, ông Trần Quốc Hưng - Phó Trưởng ban Công nghệ - Tập đoàn VNPT cho biết, trên thế giới vẫn có gần 50% dân số chưa được truy cập internet. Trong khi đó, Việt Nam có đến trên 78 triệu người đã sử dụng internet, đó là con số rất cao. Do đó, để đồng hành cùng Chính phủ, VNPT sẽ đẩy mạnh việc phổ cập internet sâu rộng đến các địa phương, đối tượng trong thời gian tới.

Hiện nay VNPT đã đưa internet cáp quang đến 100% xã trên cả nước; phấn đấu đến năm 2025, phủ 100% internet cáp quang đến thôn, xóm, cũng như mở rộng băng thông internet di động. 

Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục thực hiện các chương trình internet cộng đồng, ra các gói cước giá rẻ, hỗ trợ tối đa để cho các đối tượng khó khăn khó tiếp cận các dịch vụ, nhằm đồng hành cùng Nhà nước, đặc biệt là Quyết định số 411 của Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam đến năm 2025, phấn đấu 80% số hộ gia đình có internet cáp quang và đến năm 2030 tỉ lệ là 100%.

Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư. Trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, vai trò điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông thông qua chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là hết sức quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, gắn kết người dân với nền kinh tế số, xã hội số là hết sức cần thiết.

Để đáp ứng tính cấp thiết trên, Quyết định số 2269 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, trong đó tập trung hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình khó khăn có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Thực tế triển khai cho thấy, chính sách này không chỉ giúp bà con được sử dụng dịch vụ với giá cước ưu đãi mà còn hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu chính sách tới năm 2025 về Chính phủ số, chuyển đổi số, bảo đảm sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cố định, dịch vụ thông tin di động tại tất cả các địa bàn cấp thôn trên phạm vi cả nước; đồng thời hỗ trợ các trạm y tế, cơ sở giáo dục phổ thông, hộ nghèo được sử dụng dịch vụ với mức giá cước ưu đãi.

Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 hướng đến hỗ trợ cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích theo phạm vi, đối tượng thụ hưởng, với chất lượng và giá cước dịch vụ hợp lý; trong đó ưu tiên đảm bảo các thôn, bản, làng, ấp, đảo có người sinh sống và các nhà giàn được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sử dụng dịch vụ viễn thông. Các mục tiêu cụ thể sẽ bám sát nhu cầu thực tiễn, mang tính tổng thể, thiết yếu.

Với đặc thù của hoạt động phổ cập dịch vụ viễn thông, Chương trình giai đoạn tới tập chung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng, mạng lưới, đảm bảo dịch vụ viẽn thông được phổ cập đến tất cả các thôn, bản, đảo có người sinh sống và hỗ trợ các đối tượng sử dụng khó khăn dịch vụ viễn thông phổ cập.

Hạnh Nhân