Cụ thể ở phần đọc - hiểu như sau: Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:

Sao chưa mời tôi ăn

Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn.

Thầy lang tin lời và bốc thuốc cho anh ta. Sau mấy ngày uống thuốc thì anh này khỏi bệnh và đi đại tiện bình thường được, nhưng tính ki bo nên muốn nuốt lời về bữa cơm, nên khi nào ông thầy lang hỏi thì cứ nói là chưa khỏi.

Ông thầy lang cũng đoán được là anh ta nói dối, bực lắm, bèn quyết định rình bắt quả tang. Một lần thấy anh ta lại đi ra đồng đại tiện, ông thầy lang liền bám theo. Khi anh này vừa đi xong đang kéo quần lên thì ngay lập tức ông thầy lang từ trong bụi cây chạy ra, một tay nắm tay anh ta, một tay chỉ vào đống phân mà quát:

- Anh thật là kẻ tham lam tráo trở. Đã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?

(Theo Trương Chính- Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)

Đề yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi:

Văn bản trên thuộc thể loại nào?

Nêu đề tài của văn bản? 

Xác định bối cảnh của văn bản trên? 

Trong văn bản nhân vật nào làm bật lên tiếng cười? Thể hiện qua câu nào?

Thủ pháp gây cười của văn bản trên là gì ?

Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc xong câu chuyện?

Tìm câu chủ đề trong đoạn đoạn văn sau: Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn.

Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu sau: Đã đi được một đống lù lù thể này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?

414576924 1101027877559027 4565703160922922221 n.jpg
Đề Ngữ văn gây tranh cãi

Đề Văn được cho là sử dụng ngữ liệu không phù hợp. Theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Giảng viên Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong Chương trình Ngữ văn 2018 (tr.16 và tr.92) cũng như một số yêu cầu đối với việc kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, có thể thấy rõ ngữ liệu trong đề có những điểm đạt và chưa đạt.

Về ưu điểm, đề đã phù hợp với kinh nghiệm đọc văn bản, năng lực nhận thức của học sinh ở lớp 8. Truyện cười có mặt trong chương trình và được triển khai dạy học trong sách giáo khoa nên thể loại này được sử dụng làm ngữ liệu kiểm tra là điều hợp lí. Mặt khác công văn 3175/BGDĐT-GDTrH đã pháp lý hóa yêu cầu về nguồn ngữ liệu dùng trong kiểm tra đánh giá, nêu rõ trong đánh giá phải “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.”

Như vậy, ngữ liệu được đưa vào đề đáp ứng yêu cầu sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa, giúp học sinh vận dụng những hiểu biết đã có trong quá trình đọc hiểu các văn bản trong sách giáo khoa để đọc các văn bản khác có cùng thể loại. "Đây là điều mà đề thi đã làm được"- thầy Khôi nói.

Tuy nhiên theo thầy Khôi, việc sử dụng ngữ liệu cũng có những hạn chế. Thứ nhất, truyện cười này nhằm phê phán thói hư tật xấu của con người. Ý nghĩa chuyển tải từ truyện thì ổn, song việc thể hiện phải đặc biệt xem lại. "Vấn đề bệnh đường tiêu hóa, ngữ cảnh đi vệ sinh và rình người khác đi vệ sinh, câu nói cuối cùng của thầy thuốc dễ tạo cách hiểu khác kém tế nhị bên cạnh cách nghĩ logic thông thường (đã chữa được cho khỏi bệnh thì phải được mời ăn)"- theo thầy Khôi.

Ngoài ra, tiếng cười văn bản tạo ra chưa sâu sắc, thiếu tính nhân văn cần có vốn là đặc trưng, truyền thống của văn hóa người Việt. Thủ pháp gây cười rất đơn giản, dĩ nhiên sẽ giúp học sinh dễ phát hiện, từ đó có thể không khó lấy trọn điểm câu hỏi đọc hiểu. Hơn thế, bài học đạo lí mang đến thiếu chiều sâu, khiến truyện xa dần mục tiêu châm biếm, trào phúng để gần với kiểu truyện hài hước giản đơn. Chính những điều này khiến văn bản chưa có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chưa tiêu biểu cho thể loại, thiếu tính chuẩn mực về ngôn ngữ.

Từ những hạn chế đã nêu trên, thầy Khôi khuyến nghị, cần xem lại công tác duyệt đề, phản biện đề. Nếu những người có trách nhiệm làm tốt khâu này, tất yếu sẽ không có những đề Văn như trên.

"Bài học đạo lí quá đơn giản để có thể rút ra từ truyện, thủ pháp gây cười dễ phát hiện sẽ ảnh hưởng tính sự phân hóa của đề thi. Chúng ta có thể mong muốn kết quả của học sinh thật cao, nhưng nên hướng đến việc cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập hơn là việc ra đề dễ"- thầy Khôi nói.

Vị giảng viên này cũng cho rằng, người có trách nhiệm chuyên môn, giáo viên cốt cán và giáo viên bộ môn đang triển khai chương trình Ngữ văn 2018 cần được tập huấn về công tác kiểm tra đánh giá, nhất là việc lựa chọn ngữ liệu, đặc biệt khi năm học 2024 - 2025 đang đến gần với kì thi tuyển sinh lớp 10 và kì thi tốt nghiệp THPT áp lực trước mắt.

Trước đó, đề thi học kỳ môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 8, Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) cũng bị phản ứng vì cho rằng thiếu sự tôn trọng người thầy.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận trên hành trình đổi mới một vài đơn vị còn lúng túng, chọn ngữ liệu môn Ngữ văn thi học kỳ chưa thật phù hợp. Ông Hồ Tấn Minh, cho hay mục đích của kiểm tra là nhằm đánh giá đúng đắn, khách quan kết quả học tập, năng lực của học sinh, phục vụ cho việc điều chỉnh quá trình dạy học, đồng thời giúp học sinh phát huy năng lực, phẩm chất.

Đối với môn Ngữ văn, các bài kiểm tra cần đánh giá các năng lực cốt lõi của môn học bao gồm: Năng lực đọc hiểu, năng lực viết, năng lực nói và nghe, năng lực tạo lập văn bản, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo.

Theo ông Minh, công văn về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn chỉ rõ: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các để kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".

Như vậy, tinh thần của kiểm tra đánh giá theo năng lực (cụ thể ở đây là năng lực "đọc hiểu" và năng lực "viết") là không sử dụng lại văn bản đã dạy cho học sinh để ra để kiểm tra. Học sinh cần vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, đã rèn luyện để "đọc hiểu", "phân tích" một văn bản mới.

Ông Minh cho rằng, các tranh luận về một vài đề kiểm tra Ngữ văn học kì 1 vừa qua chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn ngữ liệu: Độ dài, ngắn; nội dung có phù hợp thời gian làm bài, có phù hợp tâm lí lứa tuổi học sinh hay không; nguồn trích dẫn có cụ thể, rõ ràng, đáng tin cậy hay không.

Về vấn đề này, Sở GD-ĐT đã có tập huấn, tuy nhiên, trên hành trình đổi mới, một vài đơn vị còn lúng túng, chọn ngữ liệu chưa thật phù hợp. Sau kiểm tra học kỳ 1, Sở GD- ĐT tiếp tục tập huấn (vào 2 ngày 17 và 18/1) để thầy cô tổ trưởng chuyên môn các đơn vị tiếp tục trao đổi, thực hành ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng các yêu cầu.