XEM CLIP: 

Ngày 8/3, trao đổi với VietNamNet, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An Phan Huy Chương thông tin, sau khi có phản ánh: “Xe tự chế quá khổ có hộ tống nghênh ngang trên quốc lộ”, sẽ yêu cầu các lực lượng CSGT;  Khu quản lý đường bộ 2 và các cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo ông Chương, để biết trọng lượng mỗi dầm cầu bao nhiêu tấn thì phải kiểm tra. Nếu trường hợp xe chở quá khổ, quá tải hoặc xe đặc chủng thì phải có CSGT dẫn đường và phải được cấp phép xe siêu trường, siêu trọng. 

Xe chở dầm cầu nặng gần 100 tấn di chuyển trên QL46A. Ảnh: Quốc Huy

Phía sau đầu máy của 2 xe tự chế kéo được bổ sung 2 khối đá để giữ cân bằng. Ảnh: Quốc Huy

“Việc đơn vị thi công dùng xe bán tải dẫn đường là không đúng. Qua hình ảnh cho thấy nếu đúng xe bán tải biển trắng lắp còi, đèn đỏ ưu tiên ở trên mui xe và dùng gậy điều khiển giao thông như thế là không đúng. Tôi khẳng định xe bán tải 37C-179.82 này không được phép ra đường điều khiển giao thông” - ông Chương nhấn mạnh.

Hình ảnh xe bán tải lắp đèn ưu tiên hộ tống

Việc này, ông Chương cũng cho biết, xe bán tải không được phép đi ra ngoài để điều khiển và phong toả giao thông như phản ánh.

“Qua báo chí phản ánh tôi sẽ kiến nghị đến lực lượng CSGT; Khu quản lý đường bộ 2 để tình trạng này không được tiếp tục xảy ra. Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm” – ông Chương khẳng định.

Như đã đưa tin, bình quân mỗi ngày có 2 dầm cầu được đúc tại Trạm trộn bê tông Công ty TNHH Hoà Hiệp, tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được cẩu lên các đầu xe tự chế. Những xe này di chuyển chậm, gây cản trở giao thông dọc đường và không cho các phương tiện chạy cùng chiều vượt lên.

Những dầm cầu này được di chuyển từ Nghệ An sang huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) để thi công cầu Hưng Đức vượt sông Lam trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Ép tất cả các xe ở vòng xuyến trước khi đi lên cầu Yên Xuân và sang địa phận Hà Tĩnh. Ảnh: Quốc Huy

Tìm hiểu được biết, mỗi dầm cầu dài hơn 38m, nặng gần 100 tấn được cẩu lên 2 đầu ô tô đầu kéo. Để chở được dầm cầu rất nặng này, đơn vị vận tải đã tự chế điểm nối giữa xe đẩy từ phía sau và xe kéo phía trước để tăng lực chở. Đầu xe đẩy phía sau còn được cẩu lên 2 khối đá để giữ thăng bằng, hỗ trợ xe phía trước kéo dầm cầu. Mỗi một đầu xe kéo trước hoặc đẩy sau đều có 2 tài xế. 

Hộ tống 2 xe tự chế di chuyển dọc quảng đường khoảng 15km từ trạm trộn bê tông ở Nghệ An đến địa điểm thi công cầu Hưng Đức ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), luôn có 2 xe bán tải đi trước và đi sau. Người ngồi trên ghế phụ xe bán tải này có nhiệm vụ dùng tay, gậy ra tín hiệu không cho bất kỳ phương tiện xe máy, ô tô đi cùng chiều vượt lên phía trước.

Thông tin thêm, dàn xe tự chế của Công ty TNHH Hoà Hiệp di chuyển dầm cầu từ Nghệ An sang Hà Tĩnh vào buổi trưa và buổi tối mỗi ngày. Mỗi lần di chuyển có 2 xe tự chế chở 2 dầm cầu, chiếm dụng đoạn đường khoảng 200m, không cho các phương tiện đi cùng chiều vượt lên.

Đơn vị vận chuyển thừa nhận, dàn xe tự chế chở dầm cầu chưa được Cục đường bộ cấp phép vận chuyển trong trường hợp đặc biệt.