Ngăn chặn tội phạm ở tuổi vị thành niên

Để hạn chế, phòng ngừa việc trẻ vị thành niên tụ tập gây án, luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có những phân tích trên nhiều góc độ, chỉ rõ các giải pháp căn cơ.

Trước hết, đó là giải pháp xây dựng - thực thi – tuyên truyền pháp luật. Hiện nay hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em rất nhiều, có chỗ còn chồng chéo nhau. Do đó cần phải nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quyền, thực hiện quyền trẻ em.

Cần phải có quy định, cơ chế, biện pháp can thiệp sâu hơn về vai trò của cha mẹ, người bảo hộ đối với con cái, đối tượng vị thành niên được bảo hộ, để tránh trường hợp trẻ sống trong gia đình, môi trường thiếu lành mạnh, thiếu giáo dục... tác động tiêu cực đến sự phát triển hình thành nhân cách.

Nhóm thanh thiếu niên bị bắt giữ tại Tuyên Quang vì mang hung khí, bom xăng đi giải quyết mâu thuẫn trước cổng trường phổ thông. Ảnh: Tiến Dũng

Về áp dụng pháp luật đối với trẻ vị thành niên phạm tội, cần có một bộ máy hoàn chỉnh để giúp đối tượng đó nhận thức được sai lầm, từ đó sửa chữa, vươn lên… Do đó, người thực thi, áp dụng pháp luật đối với trẻ vị thành niên phải là người am hiểu về tâm sinh lý ở độ tuổi này, biết kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp để giúp trẻ khi sai lầm, phạm tội thì nhận thấy ánh sáng cuộc đời, sự yêu thương, che chở mà từ đó có thay đổi.

Song song với đó, cần đẩy mạnh hiệu quả về công tác tuyên truyền pháp luật nhắm vào các đối tượng vị thành niên. Công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục với người ở độ tuổi đang trưởng thành, hình thành nhân cách không phải dễ dàng, do đó cần linh hoạt đối với từng nhóm tuổi, từng vùng miền, tầng lớp dân cư, khu vực sinh sống…

Với những trẻ vị thành niên phạm tội, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật để công tác tuyên truyền được cụ thể hóa qua các vụ án, vụ việc và từ đó giúp răn đe những trẻ khác đang có ý định phạm tội, hoặc lệch chuẩn về nhân cách, thấy hậu quả trước mắt để rút ra bài học cho bản thân.

Về giải pháp giáo dục, cần phải có sự đổi mới. Cần đưa nhiều hơn vào công tác giáo dục những nội dung đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống để giúp trẻ hoàn thiện dần nhân cách toàn diện, biết cách ứng xử linh hoạt trong đời sống hằng ngày.

Công an thu giữ hung khí trong một vụ băng nhóm thanh thiếu niên hỗn chiến. Ảnh: Tiến Tầm

Giải pháp quan trọng khác là quản lý chặt chẽ không gian mạng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng đặc biệt giải pháp này trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường, gia đình cũng phải quan tâm sâu sát đến vấn đề này.

Cơ quan chức năng phải nghiêm túc áp dụng quy định pháp luật để quản lý, xử lý nghiêm những nhà mạng, các cơ sở kinh doanh, những chủ thể mạng xã hội… vi phạm; phải hạn chế và tiến tới làm sạch môi trường không gian mạng, không để con trẻ tiếp cận với những clip, phim ảnh có tính chất bạo lực, kích động…

Về giải pháp phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, cần xác định gia đình là nền tảng, các bậc làm cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của con cái nên cần có sự quan tâm, giáo dục khoa học, kiểm soát được quan hệ của con cái, từ đó uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, nhẹ nhàng khi trẻ bị lệch lạc, có hành vi sai trái.

Trong khi đó, nhà trường không chỉ giáo dục học hành sách vở mà thầy cô cần phải như người bạn, nhanh nhạy nắm bắt tâm sinh lý của trẻ vị thành niên để giúp các em chấp hành kỷ luật, nội quy nhà trường và dạy cách ứng xử ngoài xã hội.

Công tác phòng ngừa sâu sát từng nhà, từng người

Trước việc tội phạm ngày càng trẻ hóa, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đưa ra ý kiến, đầu tiên cần phải xử nghiêm tất cả hành vi vi phạm pháp luật, không có ngoại lệ, điều này sẽ tạo ra uy lực của pháp luật. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình thì họ sẽ tự nguyện chấp hành.

Cấp cơ sở cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, nắm bắt và giải quyết triệt để các mâu thuẫn khi vừa mới xuất hiện. Tội phạm không phải điều gì xa lạ, nó bước ra từ bất cứ ngôi nhà nào; ngay từ cấp tổ dân phố phải làm tốt việc phòng ngừa, sâu sát từng nhà, từng người…

Cùng với đó, phải thay đổi từ tế bào của xã hội là gia đình. Gia đình phải tốt đã. Muốn gia đình tốt thì những con người trong đấy phải tốt, cha mẹ phải nêu gương cho các con. Các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm với nhau, thương yêu, đùm bọc nhau. Trẻ sẽ học được đức hy sinh, bao bọc, che chở từ cha mẹ mình.

Chúng ta cũng cần xem xét lại chương trình đào tạo, giáo dục. Chúng ta đã và đang cho ra những lớp trẻ giàu kiến thức lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng sống.

Xét xử một băng nhóm tại Đà Nẵng đánh người khác bị thương nặng từ mâu thuẫn vụn vặt trên đường phố. Ảnh: Hồ Giáp

Để phòng ngừa, hạn chế tội phạm do người chưa thành niên gây ra, ngoài các giải pháp căn cơ như các ý kiến trên, Bộ Công an lâu nay đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về phòng ngừa tội phạm ở độ tuổi này.

Điển hình là Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Công an về công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong trường học; Nghị quyết liên tịch giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an về quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên...

Để xử lý triệt để, phòng ngừa tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, nạn kéo băng, tụ nhóm đi giải quyết mâu thuẫn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình cần phát huy hết vai trò, thực hiện toàn diện những giải pháp để định hình một thế hệ trẻ sống lành mạnh, trở thành những công dân tốt, có ích trong tương lai.