Cơ hội lớn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 2 năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều liên tục tăng ở mức 16,4% vào năm 2021 và 6,5% vào năm 2022, đạt trên 6,8 tỷ USD trong năm 2022, gấp 3 lần so với năm 2010 khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Riêng Quý I/2023, tổng giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 1,58 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, Việt Nam thặng dư thương mại 1,23 tỷ USD, tăng 88,6 nghìn USD so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có xu hướng chậm lại, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, kinh tế Anh khó phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chi phí sản xuất - vận tải, nhất là chi phí năng lượng tăng cao. Hơn nữa, lạm phát cao và niềm tin tiêu dùng thấp khiến người dân Anh thắt chặt chi tiêu; nhu cầu thị trường giảm nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ ngoài trời hay đồ gia dụng lâu bền.
Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu và phân phối đồ gỗ tại Anh phá sản; tỷ giá giữa đồng Bảng Anh so với USD và VND biến động mạnh khiến rủi ro thanh toán đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Ngoài ra, việc xuất khẩu giảm còn do yêu cầu chất lượng cao; thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh; khoảng cách địa lý xa khiến chi phí vận tải cao hơn và thời gian giao hàng chậm hơn các nguồn hàng đến từ châu Âu và châu Phi.
Với lợi thế rất lớn từ UKVFTA đã xác lập một lộ trình miễn thuế cho hầu hết sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh và ngược lại, nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước Nam Mỹ.
Nổi bật trong đó là nhóm hàng nông sản, trái cây tươi. Bởi, với UKVFTA, các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang nước này được miễn thuế, đây là lợi thế lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để.
Minh chứng là đầu tháng 2 vừa qua, những trái bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) xuất khẩu chính ngạch và lần đầu tiên được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan (Anh) và nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt cũng như người tiêu dùng sở tại. Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình), lần đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn (11 tấn) sang Anh bởi Tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này… Đây là những tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản.
Chú ý đến các biện pháp phòng vệ
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới cũng như khu vực có nhiều biến động, thị trường nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sự ở Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng đã khiến việc tiêu dùng của các thị trường suy giảm.
Việc này, theo ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, dẫn tới các quốc gia nhập khẩu, trong đó có EU, Vương quốc Anh sẽ tìm những cách bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa. Trong đó các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ song song với những công cụ khác, họ sẽ nâng cao tiêu chuẩn, những quy định đối với hàng nhập khẩu. Đây là một trong những thách thức đối với DN trong thời gian tới.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại do nước nhập khẩu tiến hành, mục đích là hạn chế hàng nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cuả họ. Sau khi thực hiện các FTA như EVFTA và UKVFTA thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Với mức gia tăng xuất nhập khẩu giữa các đối tác như vậy thì khả năng các nước sử dụng công cụ hữu hiệu của mình để bảo vệ ngành sản xuất trong nước rất là dễ hiểu, chúng ta có thể lường trước nguy cơ này.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, quá trình xử lý vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại còn gặp nhiều khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ trong việc nghiên cứu, cung cấp thông tin; hiểu biết của doanh nghiệp về lĩnh vực phòng vệ thương mại còn hạn chế; thông tin doanh nghiệp không cụ thể, rõ ràng.
Vì vậy, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chủ động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại (Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”.