Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại với Vương quốc Anh vẫn là điểm sáng, minh chứng cho sự hiệu quả của chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam.

Thành tựu của hiệp định UKVFTA trong thương mại và đầu tư

UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen, được ký vào ngày 29/12/2020) đã trở thành chiếc cầu nối hiệu quả, giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Anh. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan của hiệp định. Nhờ đó, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 8,9% mỗi năm, trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Anh tăng 9,4% mỗi năm.

Đặc biệt, hiệp định còn thúc đẩy Việt Nam chiếm lĩnh thị trường đối với một số mặt hàng như hạt tiêu, giày dép, và cà phê. Đáng chú ý, ngành thủy sản, với tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ lực, chiếm tới 90% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang Anh. Lộ trình thuế quan ưu đãi giúp các sản phẩm này cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với hàng hóa từ các quốc gia không có FTA với Anh.

Về đầu tư, Anh quốc đã đẩy mạnh các dự án đầu tư vào Việt Nam, trải rộng trên nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp chế tạo, tài chính, ngân hàng và năng lượng tái tạo, cùng với tổng số vốn lên đến 4,5 tỷ USD.

Ảnh 16.jpeg

Khó khăn và chiến lược để hướng về tương lai

Để phát huy hiệu quả của hiệp định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin thị trường. Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu tham tán công sứ tại Anh, nhiều doanh nghiệp trẻ của Việt Nam đã biết khai thác công nghệ số và tiếp thị trực tuyến để kết nối và tìm kiếm cơ hội mới tại thị trường Anh. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đạt hiệu quả như mong muốn.

Sự chủ động trong nghiên cứu thị trường và đối tác vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt. Mặc dù thông tin doanh nghiệp Anh có thể dễ dàng tiếp cận trên trang companieshouse.gov.uk, nhưng việc phân tích và sử dụng thông tin để đánh giá tình hình tài chính của đối tác vẫn còn hạn chế. Ông Cường nhấn mạnh rằng việc đánh giá kỹ lưỡng đối tác, kể cả những đối tác lâu năm, là cần thiết để tránh rủi ro trong giao dịch.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Vũ Việt Thành, khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về thị trường, đối tác để tránh những vụ lừa đảo và gian lận. Đồng thời, việc kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và thực hiện truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam có thể trụ vững tại thị trường khó tính như Anh Quốc.

Nhìn lại những gì Hiệp định UKVFTA đã đạt được, có thể thấy rằng đây không chỉ là một công cụ pháp lý thúc đẩy thương mại, mà còn là động lực mạnh mẽ giúp Việt Nam cải cách thể chế, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hợp tác song phương bền vững. Sự cải tiến trong quản lý và điều hành không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn giúp gia tăng chất lượng sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng học hỏi và đổi mới, không chỉ để tận dụng tối đa lợi ích từ UKVFTA mà còn để phản ứng linh hoạt trước những thách thức từ thị trường quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ là chìa khóa để duy trì và phát triển mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.