Những cuộc đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng của hai nước láng giềng Trung Đông ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria trong vài tuần qua đã trầm trọng hóa vấn đề người tị nạn, nỗi ám ảnh của các quốc gia châu Âu trong nhiều năm trở lại đây.

Lo sợ giao tranh đẫm máu và mong ước có được cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn, hàng triệu người trong vùng chiến sự đã mạo hiểm rời bỏ đất nước để tìm đường tới châu Âu.

{keywords}
 Những người tị nạn và di cư tụ tập ở khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp Hy Lạp để tìm cơ hội vượt biên sang châu Âu. Ảnh: The Guardian

Cách đây gần 4 năm, vào tháng 3/2016, các lãnh đạo EU đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tị nạn. Cụ thể, họ nhất trí trả cho Ankara 6 tỷ Euro và thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập liên minh để đổi lấy việc nước này ra tay ngăn chặn dòng người di cư tràn vào châu Âu như một năm trước đó.

Theo báo Guardian, thỏa thuận thực sự phát huy hiệu quả. Suốt 3 năm sau đó, số lượng người tị nạn đến các các đảo của Hy Lạp từ điểm trung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống đáng kể, từ mức đỉnh điểm 7.000 người/ngày xuống còn vài trăm người/ngày. Song, các con số này lại có xu hướng tăng trở lại vào năm 2019.

Khi bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng ở Idlib mà không được phương Tây ứng cứu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẽ mở các cánh cửa chốt chặn đường đến châu Âu. Ngay sau quyết định bật đèn xanh của Ankara hôm 28/2, nhiều người tị nạn từ Syria đã hối hả vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tiến về phía các vùng duyên hải và khu vực biên giới giáp Hy Lạp, Bulgaria.

Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được tin sẽ làm lộ "gót Asin" của EU khi liên minh không thể thống nhất về một chính sách nhập cư chung suốt thời gian qua.

Các quan chức ở Brussels quả quyết, EU hiện ở vị thế mạnh hơn nhiều so với năm 2015, khi một triệu người nước ngoài bất chấp nguy hiểm đi thuyền lênh đênh trên biển hoặc chui qua các hàng rào thép gai để có thể đặt chân sang đất châu Âu. Một báo cáo của Ủy ban châu Âu hồi thang 10/2019 viết, EU hiện có "các hệ thống mạnh mẽ hơn để kiểm soát biên giới và có thể nhanh chóng mang tới sự hỗ trợ về tài chính và hoạt động cần thiết cho những nước thành viên chịu áp lực". EU đang thiết lập một lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới châu Âu, với mục tiêu là 10.000 nhân sự tham gia vào năm 2027.

Các quan chức EU cho rằng, họ đã thực hiện đúng những mặc cả với Tổng thống Erdogan. EU đã giải ngân gần như toàn bộ 6 tỷ Euro đã hứa dành cho những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chỉ có 3,2 tỷ Euro trong số này được chi cho các dự án, bao gồm cả xây dựng các trường học và trung tâm y tế.

Song, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói số tiền đó không đủ. Ankara tuyên bố đã phải chi số tiền tương đương gần 27 tỷ Euro để giúp 3,6 triệu người tị nạn Syria đang cư trú trong lãnh thổ của họ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang là nơi trú chân cho 360.000 người nước ngoài khác chạy trốn sự đàn áp và chiến tranh, chủ yếu đến từ Afghanistan, Iraq và Iran.

EU thậm chí đạt ít tiến bộ hơn nhiều trong việc trao đổi người. Trọng tâm của thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ là đề nghị "một đổi một": một người tị nạn Syria trên các đảo Hy Lạp sẽ được trả lại cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một người tị nạn Syria khác ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cấp nơi trú ẩn ở châu Âu. Chính quyền Hy Lạp, vốn đang oằn mình chống đỡ sau nhiều năm cắt giảm các chi tiêu công, đã tìm cách đưa 1.908 người xin tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, một chính sách bị chỉ trích rộng rãi do nhiều ý kiến cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn là quốc gia an toàn.

EU đồng ý tiếp nhận khoảng 25.000 người Syria đã tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng số lượng này quá thấp so với mức tối đa 72.000 người trong thỏa thuận ban đầu và mức 108.000 người mà các tổ chức cứu trợ quốc tế cho là đóng góp công bằng của một số quốc gia giàu nhất thế giới. (EU thống kê rằng, liên minh đã giúp bố trí nơi ăn, chốn ở cho tổng cộng 63.000 người tị nạn đến từ Trung Đông và châu Phi kể từ năm 2015).

Khi EU tuyên bố cuộc khủng hoảng nhập cư đã chấm dứt, các đảo của Hy Lạp trở thành nơi chứa những người di cư trong các trại tị nạn có điều kiện vệ sinh tồi tệ như Moria trên đảo Lesbos hay Vathy trên đảo Samos. Tháng 10 năm ngoái, cơ sở Vathy phải tiếp nhận số người tị nạn cao gấp 8 lần so với thiết kế. Họ phải sống trong các lán trại có bồn vệ sinh và vòi hoa sen bị gãy hỏng, nước uống không đủ và chuột thì chạy thành đàn trên các đống rác.

Khi vấn đề nhập cư lại nổi lên trên các mặt báo, trò chơi đổ lỗi bắt đầu. Các quan chức ở Brussels phàn nàn rằng, nhà chức trách Hy Lạp dường như không có khả năng chi tiền để cải thiện điều kiện sống cho những người tị nạn. Ngược lại, chính phủ Hy Lạp cáo buộc phần còn lại của EU đã phớt lờ tình trạng khẩn cấp nhân đạo hàng ngày của họ.

Bị phân tâm vì việc Anh rời EU (Brexit), quá trình gấp rút lựa chọn các nhà quản lý mới của liên minh cũng như phê chuẩn ngân sách hoạt động dài hạn, các lãnh đạo EU không dừng lại để giải quyết xong xuôi vấn đề khủng hoảng nhập cư. Các chính phủ đã không thể nhất trí về một hệ thống tị nạn mới giúp giảm bớt gánh nặng cho những quốc gia chịu sức ép lớn nhất như Hy Lạp, Italia hay Tây Ban Nha.

Trước cuộc bầu cử châu Âu năm 2019, một loạt các quy định về tị nạn của châu Âu - tổng cộng 7 đạo luật - đã bị hoãn triển khai do sự chia rẽ sâu sắc về một hệ thống thường trực nhằm chia sẻ gánh nặng hỗ trợ người tị nạn.

Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vẫn chưa công bố bà dự tính giải quyết vấn đề trên như thế nào. 4 năm kể từ sau khi ký kết thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, lỗ hổng của EU về hệ thống tị nạn vẫn chưa thể lấp đầy và tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc khủng hoảng ở Syria leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Tuấn Anh