Được ký kết vào cuối năm 2020, sau tám năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước.

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm(3), sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực trước cuối năm 2021.

Theo góc nhìn của TS. Hoàng Đình Nhàn, Học viện Khoa học Quân sự: Trong bối cảnh hiện nay, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.

{keywords}
Việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.

Trong bài bình luận có tựa đề "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Ý nghĩa và kỳ vọng", TS Nhàn phân tích: Về kinh tế, RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. RCEP còn thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. 

RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030(4). Ước tính, RCEP và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bù đắp tổn thất kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra. Hai hiệp định này cũng sẽ giúp các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Về địa - chính trị, mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây đều cho rằng, RCEP là “do Trung Quốc lãnh đạo” nhưng nếu không có “vai trò trung tâm của ASEAN”, RCEP khó trở thành hiện thực. RCEP sẽ giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng; RCEP cũng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế Đông Bắc Á.

Các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản, vốn đã bế tắc trong nhiều năm qua, sẽ trở nên có động lực ngay sau khi RCEP được ký kết. RCEP cũng là ví dụ minh chứng cho thương mại dựa trên quy tắc. Nếu RCEP thúc đẩy sự tăng trưởng cùng có lợi, các thành viên của RCEP, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ giành được ảnh hưởng trên toàn thế giới. Ở khía cạnh khác, thỏa thuận RCEP cho thấy khá rõ ràng rằng, chiến lược của chính quyền của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước nhằm cô lập Trung Quốc và tách Trung Quốc  khỏi chuỗi giá trị toàn cầu đã không thành công. Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đồng minh của Mỹ, đã quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, bằng việc tham gia RCEP, những nước này phát đi tín hiệu cho thấy họ cần liên kết các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thậm chí quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước này đang phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, RCEP được ký kết còn mang ý‎ nghĩa biểu tượng lớn, đó là biểu hiện của sự đoàn kết nội bộ ASEAN, thể hiện quyết tâm và lòng tin của các nước Đông Á trong việc kiên trì thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, minh chứng rằng, hợp tác khu vực đã có bước đột phá mới.

Từ thời điểm bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa kinh tế đến nay, đa số các nước trên thế giới ủng hộ thương mại đa phương; tuy nhiên, nước Mỹ lại có quan điểm khác. Trong nhiệm kỳ trước, nước Mỹ đã rút khỏi phần lớn các thỏa thuận quốc tế, không ủng hộ đàm phán đa phương. Một số thỏa thuận hợp tác thương mại khu vực và xuyên khu vực gặp trở ngại. Việc đàm phán gặp nhiều khó khăn, song cuối cùng, RCEP vẫn được ký kết, cho thấy hợp tác khu vực đã có nhiều nỗ lực. Bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 và hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra, việc hoàn tất ký kết thể hiện xu hướng tiến bộ và hợp tác quốc tế là khó có thể đảo ngược.

Hà Yên