Đến cuối tháng 3/2020, khoảng một phần ba dân số thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các quyết định phong tỏa. Phần tử cúm Covid-19 đã buộc xã hội loài người phải sống chậm lại, hạn chế tối đa các tương tác xã hội.

Tình trạng bất thường hiện nay cũng giúp nhân loại ý thức rõ hơn về những giá trị cộng đồng và nhu cầu chung tay xây dựng cộng đồng sinh thái - xã hội bền vững.

Covid-19 và sự đình trệ xã hội

Với những tiến bộ về công nghệ trong ngành giao thông, việc đi lại của con người hiện nay đã trở nên vô cùng thuận tiện và dễ dàng. Nhưng cũng chính sự dễ dàng về đi lại đã khuếch trương uy lực của virus Covid-19.

Mọi cá nhân, bất kể giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, chức tước địa vị, nam hay nữ...đều chung nguy cơ trở thành bệnh nhân nhiễm cúm. Không một quốc gia nào có thể chắc chắn rằng mình sẽ nằm ngoài phạm vi tán phát của Covid-19.

Trước đại dịch Covid-19, chính các chủ thể thị trường cũng trở thành nạn nhân khi các giao dịch kinh tế cũng bị ngưng trệ. Thị trường không còn duy trì được ưu điểm về tính hiệu lực, hiệu quả, hay linh hoạt trong khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Lòng tin vào thị trường bị thách thức khi các thất bại thị trường bộc lộ rõ hơn. 

Cũng vậy, Covid-19 khiến các tổ chức xã hội, vốn vận hành dựa trên nguyên tắc tự nguyện, trở nên mong manh và yếu ớt do không đủ nguồn lực để trợ giúp cá nhân như những gì mà họ vẫn thực hiện. 

Covid-19 cũng cho thấy sự tự do của cộng đồng không đơn giản là phép cộng của tự do cá nhân. Bỏ ngoài tai những mong đợi của cộng đồng, nhiều cá nhân vẫn tìm mọi cách khai báo y tế thiếu trung thực hoặc bỏ trốn khỏi các khu vực cách ly tập trung. Sự thiếu ý thức của họ đã gây ra những lo lắng cho cả cộng đồng xã hội.

Tại các nước phương Tây, bất chấp những cảnh báo hạn chế đi lại, người dân tại nhiều khu vực vẫn tỏ ra chủ quan, tự do di chuyển, và vẫn tụ tập đông người.

Có thể nói, sự lây lan nhanh chóng của virus cúm tại các xã hội dân chủ hàng đầu thế giới có một phần đóng góp rất lớn từ sự tôn trọng các quyền tự do cá nhân. Đại dịch đã chứng minh rằng nếu các quyền cá nhận bị tuyệt đối hóa, thì cộng đồng xã hội có thể phải tạm dừng lại.  

Ý thức cộng đồng

Sự bùng phát và nhanh chóng lây lan xuyên biên giới của Covid-19 nhắc nhở nhân loại về những giá trị cộng đồng mà mọi thành viên phải tôn trọng.

{keywords}
Thành công của Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan trong việc dập dịch hay Việt Nam cho đến nay trong việc kiểm soát sự lây lan dịch cúm là điều không thể không ghi nhận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước Covid-19, nếu cá nhân không đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng mà họ là thành viên, thì những hành động thỏa mãn nhu cầu cá nhân rất có thể sẽ trở thành tác nhân đe dọa sự an nguy của cả cộng đồng. Cũng chính virus này giúp các quốc gia, cho dù trình độ phát triển khác nhau, nhận ra rằng thế giới này là một cộng đồng đang ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.

Dịch bệnh tiếp thêm sức sống cho ý tưởng về một thế giới đại đồng – nơi con người không phân biệt màu da hay quốc tịch, phải cùng chung tay xây dựng cuộc sống. Đó là thế giới xã hội dựa trên sự hợp tác chứ không phải cạnh tranh; đó là một cộng đồng hòa bình, cùng chung sống chứ không phải thế giới của những căng thẳng và xung đột.  

Những tình huống như đại dịch Covid-19 chứng tỏ rằng, chủ nghĩa xã hội với tinh thần cốt lõi là đề cao các lợi ích cộng đồng, đề cao sự bình đẳng trong việc thụ hưởng thành quả phát triển (chứ không chỉ bình đẳng về cơ hội như chủ nghĩa tự do) vẫn luôn có sức sống. Sự thịnh vượng và an toàn của cả cộng đồng đòi hỏi những nỗ lực tập thể, vượt trên sự vị kỷ cá nhân.

Để đạt được điều đó, sự tôn  trọng và bảo vệ các giá trị cộng đồng cần phải là nhu cầu nhất quán.

Nhà nước trách nhiệm

Đối phó với dịch bệnh này, không phải các chính quyền dân chủ phương Tây, mà các nhà nước theo truyền thống tập quyền phương Đông lại đang tỏ rõ uy lực và hiệu quả.

Dịch bệnh này đã một lần nữa chứng minh, một hệ thống quản trị công tốt không hẳn là hệ thống vận hành dựa trên nguyên tắc số đông. Các nhà nước truyền thống phương Đông đã phản ứng mau lẹ, quyết đoán, và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lan rộng của virus.

Trong các hệ thống đó, ý kiến của giới chuyên môn nhanh chóng được lắng nghe và chuyển hóa thành hành động của chính quyền – điều thường rất dễ bị bỏ ngoài tai trong các hệ thống quản trị vận hành dựa trên nguyên tắc đa số.

Thành công của Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan trong việc dập dịch hay Việt Nam cho đến nay trong việc kiểm soát sự lây lan dịch cúm là điều không thể không ghi nhận.

Covid-19 giúp chúng ta nhận biết rõ hơn những giá trị của mô hình quản trị với nhà nước là trung tâm. Đó là một nhà nước đại diện cho cả cộng đồng chứ không phải một nhóm riêng đa số nào cả. Nhà nước đó là một chủ thể quyền lực tối cao, có được sự chính danh tự nhiên từ những mong đợi của người dân.

Trong các nhà nước đó, các giá trị cá nhân phải đặt sau các giá trị chung của cộng đồng. Giữa nhà nước và xã hội không có sự tách bạch rạch ròi; xã hội không nghi kị mà luôn đặt lòng tin vào bổn phận và chức năng làm việc tốt, việc đúng đắn của nhà nước.

Có thể gọi đó là mô hình “nhà nước trách nhiệm” mà sự chính danh của nó đến từ những hành động thực tiễn, hữu ích cho cộng đồng, chứ không phải dựa trên các cam kết pháp lý giữa công dân và chính quyền như tại các xã hội phương Tây.

Giá trị cộng đồng và nhà nước trách nhiệm

Nếu thế giới hiện đại được đặc trưng bởi sự phức tạp, thay đổi nhanh, và phụ thuộc lẫn nhau, thì nhân loại sẽ thường xuyên phải đối diện với những vấn đề nan giải.

Khi đó, các giá trị và lợi ích của cả cộng đồng mới bộc lộ vai trò và ý nghĩa rõ hơn. Cũng khi đó, những hạn chế cố hữu của các chủ thể thị trường và chủ thể xã hội khiến họ không đủ khả năng cũng như sự chính danh để hiện thực hóa các giá trị được chia sẻ bởi mọi thành viên trong cộng đồng.

Để vun đắp và bảo vệ các giá trị cộng đồng đó, không một chủ thể nào khác có thể làm thay các chủ thể công – những chủ thể có thể vượt lên trên lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm và hành động vì cộng đồng. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến nhân loại nhận thức rõ hơn về thách thức tìm kiếm mô hình quản trị hướng đến xây dựng và bảo vệ cộng đồng phát triển bền vững.

Thực tế ứng phó với dịch cúm viêm phổi cho thấy, các hệ thống quản trị dân chủ phương Tây với những thẩm quyền công bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ, chưa hẳn đã là mô hình quản trị tốt nhất cho nhân loại. Trước một tình huống bất thường bởi Covid-19, cũng không thể phủ nhận những ưu điểm rõ rệt của cấu trúc nhà nước trách nhiệm phương Đông.

Do đó, xét từ góc độ cấu trúc và tổ chức quyền lực công, nếu lịch sử nhân loại là quá trình vận động từ “Tập Quyền” đến “Tản Quyền”, thì thách thức với mỗi quốc gia không chỉ là phải nhận thức được quy luật đó.

Hơn thế, tự mỗi quốc gia phải quyết định được mô hình cấu trúc quản trị nào sẽ phù hợp với trình độ phát triển cũng như những đặc thù bối cảnh của đất nước mình.