Yên Bái là tỉnh miền núi nằm ở vị trí nối tiếp giữa trung du và miền núi phía Bắc, tổng diện tích tự nhiên trên 6.892 km2; dân số trên 83 vạn người với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57,4%. Yên Bái được biết đến là một vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt... Những yếu tố đó, đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ phủ kín tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có những nghị quyết, chính sách quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế tập thể như: Nghị quyết số 06, ngày 19/4/2021 ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, với 05 chính sách hỗ trợ cụ thể; Nghị quyết số 69, ngày 16/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; với 15 chính sách hỗ trợ cụ thể, trong đó có tới 13/15 chính sách hỗ trợ cho đối tượng là doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX)...
Tại “Tọa đàm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các HTX, THT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây tại Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là một cuộc cách mạng về chính sách, thể chế và công nghệ. Do đó, nền tảng quan trọng trong CĐS của tỉnh Yên Bái xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Yên Bái xác định CĐS là nhiệm vụ mới và khó, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, khi hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của CĐS, phát triển mô hình đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông... còn đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, việc khai thác cơ sở dữ liệu liên ngành chưa cao. Trong khi đó, công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình CĐS của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thật sự.
Ông Phước cũng cho biết: Ðến nay, toàn bộ 1.356 thôn, bản, tổ dân phố ở 173 xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng, với hơn 9.100 thành viên. Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên xây dựng, triển khai mô hình nhà văn hóa số, tổ chức thí điểm tại huyện Văn Yên (xây dựng 92 nhà văn hóa số, trong đó, 34 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nhà văn hóa số nâng cao, chiếm 53,5% tổng số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện).
Đối với khu vực kinh tế tập thể, đến nay nhiều đơn vị trong tỉnh đã xác định vị trí quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vượt lên khó khăn nội tại thực hiện CĐS phù hợp với hạ tầng sản xuất, hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nhân lực, nhiều HTX đã thích ứng và từng bước tham gia thành công vào CĐS. Nhờ đó, hàng trăm sản phẩm của các HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và hoạt động xúc tiến thương mại tương đối hiệu quả.
Ông Phước cũng thừa nhận công tác CĐS trong khu vực kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn như trình độ cán bộ lãnh đạo, trình độ dân trí của thành viên, người lao động HTX còn hạn chế trong việc tiếp cận CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của đơn vị; cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nhất là các HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua buổi “Tọa đàm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các HTX, THT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, tỉnh Yên Bái mong được tiếp nhận thêm nhiều thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam, và Liên minh HTX các tỉnh bạn trong công tác CĐS; đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung và HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.