Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối giao thương hàng hóa cho nhân dân, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đồng bào dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày của tỉnh Hòa Bình. Thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn Covid 19, khi kênh bán hàng truyền thống không phát huy được hiệu quả, cung và cầu hàng hóa nông sản đã được thực hiện chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử.
Ông Trần An Định – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hòa Bình cho biết, trong 2 năm 2021, 2022, Liên minh HTX tỉnh, Hội nông dân tỉnh đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử như VOSO.VN, POSTMARD.VN, SENDO.VN hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho các HTX, thành viên HTX, THT và Tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp đưa sản phẩm lên sàn và bán hàng online. Kết quả đã có trên 30 nghìn tấn sản phẩm như cam, bưởi, măng, thịt và trứng gà... được cung ứng đến người tiêu dùng thông qua hệ thống vận chuyển của các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin và sàn thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu, đòi hỏi các chủ thể bán hàng phải tiếp cận, ứng dụng, nâng cao được kỹ năng sử dụng, đồng thời phải chính danh người bán, chuẩn hóa và định danh sản phẩm, đảm bảo đủ lượng sản phẩm cam kết khi đưa lên sàn.
Để giúp cho các HTX nhận thức được vấn đề trên, năm 2022, 2023, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp các đơn vị thuộc liên minh HTX Việt Nam, Học viện tư vấn chuyển đổi số Việt Nam, Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương tổ chức 4 khóa tập huấn cho 270 lượt lãnh đạo HTX, tổ hợp tác (THT) về chuyển đổi số và đàm phán bán hàng, giúp cho các HTX, THT có đủ năng lực tự giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Liên minh HTX tỉnh và trường Chính trị tỉnh cùng xác định bồi dưỡng chuyển đổi số là 1 trong 8 buổi giảng dạy về kinh tế tập thể cho 480 cán bộ lãnh đạo cấp xã.
Để chuẩn bị cho sự gia nhập chợ sản phẩm trực tuyến do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng, năm 2023 Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đề xuất, được phân bổ 600 triệu đồng và đã phối hợp Vivina thực hiện 5 khóa bồi dưỡng cho 250 thành viên HTX, THT có sản phẩm OCOP, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý... về kỹ năng xây dựng câu chuyện sản phẩm, biên tập hình ảnh sản phẩm, giới thiệu sản phẩm và đám phán bán hàng online. Như vậy khi chợ sản phẩm trực tuyến vận hành thì các HTX, THT của Hòa Bình có thể chủ động đưa sản phẩm vào giao dịch.
Chia sẻ về những khó khăn,vướng mắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và triển khai nội dung hỗ trợ xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến cho HTX và thành viên, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hòa Bình, ông Trần An Định cho biết: Kỹ năng sử dụng smart phone, máy tính cũng như sử dụng các APP thương mại điện tử của HTX còn hạn chế, nhất là những người cao niên, đòi hỏi phải hướng dẫn thường xuyên và trực tiếp trên sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều HTX có sản phẩm chất lượng nhưng chưa được chứng nhận do vậy không thể hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử được mà chủ yếu bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội bằng trang cá nhân. Các HTX có sản phẩm được chứng nhận đủ điều kiện đưa lên sàn thương mai điện tử, chợ sản phẩm trực tuyến nhưng số lượng sản phẩm quá ít, giao dịch trong thời gian ngắn đã hết hàng, nhất là những sản phẩm OCOP có tính địa phương cao, nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu nguồn vốn và đòi hỏi thời gian để mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Định cũng cho biết, hiện Tổ hợp tác và Hộ cá thể chưa phải là pháp nhân, nên không thực hiện được giao dịch trên sàn và chợ đòi hỏi có truy xuất nguồn gốc và hóa đơn. Do vậy cần có phương án thúc đẩy liên kết giữa pháp nhân HTX với các THT và hộ cá thể giúp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.