Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, bằng những nỗ lực phấn đấu bền bỉ, năm 2019, huyện Yên Thành được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành 1 trong 4 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Xác định đây mới chỉ là thành công bước đầu bởi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mang tính trọng tâm, toàn diện và lâu dài, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, tiêu chí phát triển nông thôn. 

Huyện Yên Thành đã xây dựng và được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt 2 đề án lớn có ý nghĩa quan trọng: Đề án Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030; Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là hai đề án có tính kết nối và làm tiền đề cho nhau.

Yên Thành
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của hộ gia đình anh Trần Hoài Vũ ở xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành.

Để đạt những mục tiêu tại Đề án Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trên cơ sở tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, xã hội. 

Điểm sáng nổi bật của huyện Yên Thành là sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư. Năm 2023, nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả cao trong liên kết thu mua, chế biến sản phẩm. Cùng với đó, các hợp tác xã trên địa bàn huyện tiếp tục đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất…

Ngoài ra, Yên Thành cũng là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An. Huyện có diện tích, sản lượng lúa chiếm 1/7, tổng đàn chăn nuôi chiếm 1/10 của cả tỉnh.

Không chỉ về số lượng, chất lượng sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác rừng gỗ dăm sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa và giá trị gia tăng.

Có thể thấy, nông thôn mới Yên Thành hôm nay đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ, mỗi xã có một màu sắc, thế mạnh riêng cùng phát triển, hướng tới tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Với nỗ lực và quyết tâm cao, huyện Yên Thành sẽ phấn đấu là địa phương đi đầu, làm hình mẫu cho các huyện trong tỉnh Nghệ An học hỏi kinh nghiệm và triển khai hiệu quả.