Câu trả lời đơn giản tới mức hơi bất ngờ đối với nhiều người: yếu tố quyết định đối với khả năng tạo ra những đổi mới cơ bản của một nền kinh tế lại nằm trong môi trường thể chế của nó.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tuyến bài góp ý văn kiện Đại hội Đảng XII của TS Phạm Gia Minh đóng góp giải pháp xây dựng bộ máy quản lí xã hội mang tính kiến tạo phát triển.

Chúng ta thường đề cập đến vấn đề hệ trọng là cải cách và hoàn thiện thể chế nên rất cần một cách hiểu chính thống về khái niệm này.

Theo cách định nghĩa của Ngân hàng Thế giới thì thể chế không phải là một công trình hay tổ chức mà chính là các quy định để theo đó các cá nhân, công ty và nhà nước tác động lẫn nhau. Nói một cách nôm na, thể chế là luật chơi giữa 3 nhóm chủ thể. Trong hoạt động kinh tế, xã hội loài người đã sản sinh ra và cũng đã thải loại đi nhiều luật chơi - có luật chơi khuyến khích tối đa thị trường, nơi liên kết những cá nhân tự do hành động vì tư lợi của mình và cũng tồn tại những luật chơi bất bình đẳng nhằm bảo vệ quyền ra quyết định và hưởng lợi cho chỉ một nhóm người.

Ngày nay hầu như đại đa số các nền kinh tế trên thế giới đều lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tuy với mức độ rất khác nhau do áp dụng những thể chế không giống nhau đi đôi với việc sử dụng những tổ chức cùng cơ cấu vận hành thị trường cũng khác nhau.

Xét một ví dụ, các nước phát triển được đánh giá là những nền kinh tế dẫn đầu không những bởi chỉ số GDP tính theo đầu người mà còn ở năng lực tạo ra những đổi mới cơ bản trong công nghệ và tổ chức – đó là những đổi mới đòi hỏi cao nhất về tính sáng tạo, tài năng con người và đóng vai trò làm động lực chủ yếu cho việc tăng năng suất lao động xã hội.

Internet, công nghệ vi sinh, công nghệ Nano, năng lượng phản vật chất và các dạng năng lượng sạch khác…là những minh họa sinh động cho khái niệm này. Có một câu hỏi được đặt ra rất tự nhiên: Cùng chọn cơ chế thị trường để phát triển nhưng tại sao số đông các quốc gia lại không thể bứt phá để làm nên những đổi mới cơ bản?

{keywords}

Thể chế được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia. Ảnh: TL/TBKTSG

Câu trả lời đơn giản tới mức hơi bất ngờ đối với nhiều người: yếu tố quyết định đối với khả năng tạo ra những đổi mới cơ bản của một nền kinh tế lại nằm trong môi trường thể chế của nó và như vậy cũng không ngạc nhiên khi Ngân hàng thế giới khẳng định rằng "Thể chế được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia”.

Cạnh tranh chất lượng thể chế

Số liệu thống kê  trong một giai đoạn dài cho thấy ở những nơi áp dụng thể chế kinh tế- chính trị mang tính dung hợp (inclusive – dung nạp, chấp nhận sự khác biệt) thì thường đạt mức độ phát triển cao và bền vững.

Ở một thái cực đối lập với thể chế này là thể chế bất dung hợp (extractive) nơi diễn ra tình trạng độc quyền của một số nhóm người nhằm chiếm đoạt hoặc chiếm dụng một cách bất bình đẳng (của cải vật chất, các giá trị tinh thần và cơ hội thăng tiến của những người khác …) thì mức độ phát triển được ghi nhận nhìn chung là thấp hoặc đôi khi có thể cao trong ngắn hạn nhưng ẩn chứa những rạn nứt sâu sắc trong xã hội làm hậu thuẫn cho các cuộc khủng hoảng toàn diện và lâu dài bùng phát khiến quốc gia khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Thế giới ngày nay ngày một “phẳng” hơn khi mà sự dịch chuyển thông tin, vốn tư bản, nhân lực và hàng hóa trở nên dễ dàng với chi phí thấp nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và vận tải. Tuy nhiên đó là một “mặt phẳng nghiêng” bởi lẽ nhân tài và những dòng vốn  có xu hướng đổ dồn về những quốc gia nào có sức hấp dẫn cao xét về phương diện thể chế.

Số liệu thống kê cho thấy hầu hết các thể chế mang tính dung hợp (inclusive) đều có sức hút to lớn đối với vốn tư bản và nhân lực có tay nghề cao. Chính vì lẽ đó cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia hiện nay xét cho đến cùng chính là cạnh tranh về chất lượng thể chế.

Nhiều khi sự thu hẹp khoảng cách thu nhập theo GDP giữa các nền kinh tế lại không đồng nghĩa với sự tương đồng về thể chế và sự khác biệt về thể chế hầu như không thể được khắc phục một sớm một chiều bằng những biện pháp ở tầm vi mô đơn thuần.

Vì là những quy định, ràng buộc, chế tài giữa 3 nhóm chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân nên thể chế bao gồm những quy định thành văn như Hiến pháp, các bộ Luật, Nghị định, nội quy…do Nhà nước ban hành, mang tính bắt buộc phải thi hành và cả những quy định  không thành văn tồn tại từ lâu đời trong xã hội giữa các cộng đồng dân cư. Tuy nó không mang tính cưỡng bức nhưng hàm chứa áp lực mạnh mẽ của dư luận xã hội và lực hấp dẫn vô hình, bền bỉ đến kinh ngạc của những tập quán sinh hoạt, lối nghĩ, cách hành xử trong đời sống thường nhật mà phần lớn được hình thành dưới tác động lâu dài của Lịch sử và Văn hóa bản địa.

{keywords}

Sự dịch chuyển thông tin, vốn tư bản, nhân lực và hàng hóa trở nên dễ dàng với chi phí thấp nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và vận tải. Ảnh: ĐTCK

Thể chế ẩn – Thể chế hiện

Các quy định thành văn được gọi là thể chế hiện, còn bộ phận không thành văn là thể chế ẩn. Giữa hai bộ phận này có mối tác động qua lại đa chiều, vì vậy một khi Nhà nước hiểu được văn hóa và các đặc điểm lịch sử cùng những minh triết của cộng đồng dân cư trên lãnh thổ của mình thì nhiều khả năng sẽ đưa ra được các quyết sách phù hợp với nguyện vọng cũng như trình độ phát triển của người dân, tạo được sự đồng thuận và cảm hứng của họ, góp phần nâng cao vốn xã hội - sức mạnh tổng thể của đất nước.

Mặt khác, Nhà nước đó sẽ có những chính sách để từng bước đẩy lùi những tập quán bảo thủ, lạc hậu, lối nghĩ, cách làm (thuộc thể chế ẩn)  có xu hướng kìm hãm tiến bộ xã hội để đưa văn hóa quốc gia lên một tầm cao mới.

Nếu nhìn nhận như vậy thì quả thực thể chế phù hợp, tiến bộ đúng là một tài sản vô giá. Và ngược lại, khi một thể chế không còn phù hợp nữa thì nó có thể trở thành gông cùm và vòng kim cô giam hãm mọi sáng tạo và lòng nhiệt thành, phung phí nhân tài, vật lực buộc xã hội phải thải loại.

Cũng vì sự hiện diện của thể chế ẩn – một sản phẩm của lịch sử và văn hóa nên cải cách thể chế một cách đồng bộ phải được hoạch định trên cơ sở phân tích sâu sắc, toàn diện những thuộc tính cố hữu mang tính kìm hãm trong xã hội và lựa chọn các giải pháp, công cụ nhằm giảm thiểu tận gốc những lực cản bền bỉ đó, đồng thời sử dụng có hiệu quả tính chất  đòn bẩy của những thuộc tính tích cực trong quá trình vận động hình thành và củng cố môi trường thể chế mới.

Ngày hôm nay nhìn lại công cuộc Đổi mới được khởi xướng cách đây gần 30 năm góp phần thay đổi cơ bản thế và lực của đất nước,  chúng ta cần khách quan đánh giá vai trò những sáng kiến của nhân dân ở nhiều địa phương đã tìm cách “phá rào”, thực hiện “khoán chui”, luồn lách những khe hở của thể chế hiện hành để hoạt động có hiệu quả hơn. Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ Tĩnh đã thực hiện khoán bắt đầu từ cây hoa màu, cây công nghiệp và sau đó là cây lúa.

Chính thực tiễn đổi mới bộ phận ở các cơ sở, địa phương đã cung cấp những tư liệu cho hoạt động tư duy của Đảng và Nhà nước trong việc đưa ra những quyết sách cụ thể có tính đổi mới từng bước: Chỉ thị 100 CT/TW (năm 1981) của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán sản phẩm, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp” và Nghị quyết 10 ngày 5 tháng 4 năm 1988 của Bộ chính trị “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. [1]

Có thể nói tư duy mới của Đảng được cụ thể hóa qua chính sách Đổi mới hay cải cách toàn diện thể chế kinh tế lúc đó đã bắt nguồn và phát huy được sức mạnh đòn bẩy của thể chế ẩn – sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của quần chúng nhân dân.

Phạm Gia Minh

------

[1] Bài viết của GS, TS Dương Phú Hiệp trong cuốn “Đổi mới ở Việt Nam, nhớ lại và suy ngẫm” NXB Tri thức 2008).