Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Lào Cai xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Những năm qua, bằng các chính sách dân tộc, các thôn xóm ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh Lào Cai đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nâng cao đời sống của nhân dân. Hằng năm, tỉnh Lào Cai ưu tiên dành dành 65-70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình nông thôn mới, tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề cho con em DTTS để có thu nhập cao hơn.
Từ năm 2014-2021, tỉnh Lào Cai bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS là 11.304.812 triệu đồng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển: 100% xã và 98% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 95% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 95,8%. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đều có nhà lớp học kiên cố tại trường chính, hoàn thành đầu tư nhu cầu nhà ở công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm cho các trường phổ thông dân tộc nội trí, bán trú đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. Toàn tỉnh có 138 xã/138 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 123/138 xã có nhà văn hóa xã, 100% các thôn bản có nhà văn hóa thôn, 113/138 xã có sân luyện tập thể thao; 99/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã giảm bình quân 5%/năm. Năm 2021, số hộ nghèo DTTS là 41.195 hộ/102.919 hộ DTTS, tỷ lệ nghèo DTTS là 40,03%. Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Triển khai thực hiện chỉ thị, nhằm phát huy nội lực, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của vùng đồng bào DTTS, từ 2014 - 2021, các ngành và cấp ủy các cấp vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh đã chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như phong trào thi "Chung tay xây dựng nông thôn mới”; "Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”… được triển khai và được đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Qua đó đã khẳng định vai trò hạt nhân của đồng bào các DTTS trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc…
Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, trong lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như: Cánh động một giống lúa tại huyện Văn Bàn, lúa Séng cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, Bát Xát; vùng ngô hàng hóa ở Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa… Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi nhất là nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, đến nay giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt 80 triệu đồng.
Công tác đào tại nghề, học nghề, tạo việc làm, chương trình xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2012 lên 65% năm 2020, giải quyết việc làm cho 41.560 lao động là đồng người DTTS; 265 trường hợp là người DTTS đi lao động tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nước Trung đông.
Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố chiến lược thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua, công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Từ đẩy mạnh các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, nhiều tập thể, cá nhân đã đóng góp quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu gửi gắm và kỳ vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, công tác phổ cập được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 95,2%. Tỷ lệ huy động trẻ học mầm non đạt 99,8%, mẫu giáo đạt 97%, riêng 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, trẻ từ 6-10 tuổi đạt 99,8%, từ 11-14 tuổi đạt 99%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 98,2%. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,4%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương đạt 80%. Công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được quan tâm, có 4.972 lượt cán bộ DTTS chiếm 43,8% tổng số cán bộ.
Trong lĩnh vực văn hoá, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh tại 500 làng; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các DTTS dưới 3.000 người. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, các di sản “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc các dân tộc được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội “Gặt Tu Tu” của người Hà Nhì đen ở Y Tý (Bát Xát), Lễ hội tạ ơn trâu của người Bố Y, Lễ hội Gầu tào của người Mông… Các lễ hội này đã được người dân duy trì tổ chức hằng năm, nhiều lễ hội đã được xây dựng thành sản phẩm thương hiệu phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương thu hút đông khách du lịch đến khám phá, tìm hiểu.
Đặc biệt, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đã đóng vai trò là cánh tay nối dài tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Tỉnh Lào Cai có 1.130 người có uy tín, ngoài ra tỉnh còn xây dựng 381 người cốt cán trong các tôn giáo là chức sắc, chức việc, đảng viên, thành viên Mặt trận, đoàn thể và tín đồ có uy tín trong các tôn. Bằng uy tín, bằng các luật tục của dòng họ, gia đình, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã vận động hàng trăm hộ dân tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình an ninh tự quản tại cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và phòng, chống tai, tệ nạn xã hội...
Ngày 19/6/2020 của Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là một Chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất đối với phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN cả nước cũng như đối với của tỉnh Lào Cai. Ngoài nhiệm vụ tổ chức, xây dựng các văn bản quản lý, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cả giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Lào Cai đã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2022 (Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 15/8/2022).
Theo đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu, giảm tỷ lệ hộ nghèo 6% và 26 chỉ tiêu gồm các lĩnh vực: Về phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng DTTS (8 chỉ tiêu); về thông tin- truyền thông (2 chỉ tiêu); về giáo dục- đào tạo (6 chỉ tiêu); về y tế (6 chỉ tiêu); về văn hoá (1 chỉ tiêu); về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, người uy tín (3 chỉ tiêu). Tổng vốn bố trí, huy động để thực hiện Chương trình năm 2022 là 721.348 triệu đồng.
Đến nay tỉnh Lào Cai đã đạt những kết quả bước đầu trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và Miền núi. Đối với tổng số 27 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS: đến nay đánh giá sơ bộ và dự kiến đến hết năm có 23 chỉ tiêu đạt hoặc cơ bản đạt mục tiêu. Còn lại 4 chỉ tiêu khó có khả năng đạt: (1) Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (do các công trình được bố trí kế hoạch đầu tư, nhưng cuối năm năm mới khởi công sẽ hoàn thành trong năm 2023); (2) số hộ được bố trí sắp xếp dân cư (do trung ương chưa ban hành định mức hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất và việc rà soát quy hoạch đất đai, quy hoạch điểm dân cư chưa xong nên trong năm 2022 chưa có dự án được thực hiện); (3) tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề (do thời gian còn lại trong năm 2022 không đủ để tổ chức các lớp đào tạo nghề, phải chuyển thực hiện năm 2023); (4) tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (do một số công trình trong kế hoạch phải thi công chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023). Toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 39%. Phấn đấu đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% đến 31/01/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 04/8/2022. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để tỉnh Lào Cai triển khai Chương trình trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bạch Hân, Văn Bắc, Thu Hằng, Hồ Nhuỵ, Kiều Oanh