Phán quyết phế truất bà Yingluck Shinawatra của Tòa án Hiến pháp Thái Lan có lẽ sẽ đẩy lùi cuộc đối đầu bạo lực giữa các nhóm chống và ủng hộ chính phủ nhưng không phá vỡ bế tắc chính trị tại quốc gia này khi các phe đối lập đẩy mạnh những thách thức pháp lý, tờ Bangkok Post nhận định.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Bà Yingluck Shinawatra tại một cuộc họp báo ở Bangkok. (Ảnh: AP)

Quyền phó Thủ tướng Thái Lan Phongthep Thepkanchana hôm 7/5 cho biết một cuộc họp giữa các bộ trưởng nội các lâm thời không bị ảnh hưởng bởi quyết định bổ nhiệm quyền phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương Mại Niwatthamrong Bunsongphaisan làm Thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck.

Quyết định được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp quyết định buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck phải từ chức vì vi phạm hiến pháp trong việc điều chuyển công tác đối với ông Thawil Pliensri, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2011.

Cũng theo phán quyết của Tòa án, các Bộ trưởng tham gia vào cuộc họp nội các ngày 6/9/2011, nơi thông qua quyết định thuyên chuyển ông Thawil cũng bị sa thải. 9 trong số họ hiện đang là thành viên của nội các lâm thời.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva cho biết phán quyết có thể đẩy lùi căng thẳng chính trị bởi tòa đã đưa ra một bản án trước khi các cuộc biểu tình hàng loạt của các phe đối lập diễn ra.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án vẫn không khiến Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) hài lòng. PDRC hy vọng các thẩm phán sẽ cách chức toàn bộ nội các của bà Yingluck để mở đường cho một chính phủ lâm thời và cái gọi là "Hội đồng Nhân dân" mà họ đề xuất.

Lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban đã đưa ra thời hạn về "cuộc chiến hết mình cuối cùng" chống lại chính phủ và cái gọi là chế độ Thaksin.

Tối qua (7/5), ông Suthep đã kêu gọi những người biểu tình tập trung tại công viên Lumpini vào 9h09 sáng mai (9/5). Một khi có đủ sự ủng hộ, họ sẽ mở rộng cuộc biểu tình tới đường Ratchadamri và Henri Dunant.

"Đây là cơ hội duy nhất những người Thái chúng ta có thể đứng lên và tôn vinh tinh thần tự do của chúng ta như những chủ nhân thực sự của đất nước này," ông Suthep nói. Ông nhấn mạnh một cách tự tin rằng thứ Ba tới, tàn dư cuối cùng của chính phủ sẽ được loại bỏ. Cuộc tuần hành của PDRC diễn ra trước cuộc biểu tình quy mô lớn của Mặt trận Dân chủ chống độc tài được tổ chức trên đường Utthayan vào thứ Bảy (10/5).

Mặc dù đã chấp nhận phán quyết ngày hôm qua của Tòa án Hiến pháp, bà Yingluck vẫn chưa thoát khỏi những rắc rối.

Một nguồn tin của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia (NACC) cho biết cơ quan này hôm nay (8/5) sẽ quyết định liệu bà Yingluck có bị buộc tội lơ là nhiệm vụ trong chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ hay không.

Ông Niwatthamrong cũng có thể sẽ phải đối mặt với việc bị NACC đình chỉ công tác vì có liên quan trực tiếp tới chương trình này.

Quyền phó Thủ tướng Thái Lan Phongthep cho biết cuộc họp nội các đã đồng ý tiến hành các kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử mới. Chính phủ sẽ tìm kiếm một cuộc gặp mặt với Ủy ban Bầu cử (EC) để thảo luận về vấn đề này vào ngày mai (9/5).

Theo thượng nghị sỹ Paiboon Nititawan, người dẫn đầu một nhóm các nghị sĩ đệ đơn kiện bà Yingluck, ngay cả khi ông Niwatthamrong được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời, vị trí thủ tướng vẫn còn trống.

Vì thế, ông cho rằng một sự bổ nhiệm như vậy không thể cản trở quá trình thay thế một thủ tướng lâm thời trung lập để lấp vào vị trí trống, một tiến trình cần diễn ra không quá bảy ngày.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Kamnoon Sitthisamarn cho biết ông tin rằng ông Niwatthamrong sẽ đối mặt với những lời phàn nàn về việc ông sử dụng quyền lực của mình để đẩy mạnh một sắc lệnh hoàng gia cho cuộc bầu cử mới.

Điều này là vì ông Niwatthamrong không giải tán Hạ viện vào hôm 9/12 năm ngoái và ông ấy không phải là người ra sắc lệnh hoàng gia cho cuộc bầu cử 2/2.

Tuy nhiên, chủ tịch EC Supachai Somcharoen cho biết việc cách chức bà Yingluck sẽ không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử mới.

Ông Supachia nói rằng EC sẽ xúc tiến kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử mới vào hôm 20/7, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ ai trở thành thủ tướng tạm quyền đều có trách nhiệm đệ trình một sắc lệnh hoàng gia về cuộc bầu cử lên Nhà Vua.

Sầm Hoa