Sáng 26/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy ban Tài chính Ngân sách phân tích những nguyên nhân và giải pháp để giải phẫu 'cục máu đông' 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công không giải ngân được phải gửi ngân hàng.

- Ông cảm thấy như thế nào trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, rất cần vốn đầu tư, nhưng lại có thực tế dư tiền không tiêu được, cụ thể là 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phải gửi ngân hàng?

Tình trạng có tiền không tiêu được là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công. Chúng ta thấy giai đoạn năm 2021 - 2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn lên tới 700.000 - 800.000 tỷ đồng, chưa đưa vào nền kinh tế. Ngoài ra còn có các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân. Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được hoặc phân bổ rồi lại không giải ngân được. 

- Số tiền tồn đọng lớn như vậy nói lên điều gì, thưa ông?

Quốc gia cũng như mỗi gia đình, cá nhân, dù vẫn phải đi vay nhưng trong ví vẫn phải có tiền, nhưng có mức nào là hợp lý. Hơn 1 triệu tỷ đồng là khoản tiền lớn, đang dư ở một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách tiền lương, đầu tư xây dựng cơ bản và một số khoản chi mang tính chất thường xuyên. Tồn đọng nhiều như vậy cho thấy kém hiệu quả trong sử dụng đồng tiền.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy ban Tài chính Ngân sách. (Ảnh: Hoàng Hà)

- Ông cảm thấy thế nào trước thực tế tồn 1 triệu tỷ đồng không giải ngân được và làm thế nào để phá được ‘cục máu đông’ này?

Ai cũng xót xa khi ngân quỹ tồn số tiền lớn đến như vậy. 1 triệu tỷ đồng không được phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 - 300.000 tỷ đồng, trong khi tiền có trong "két" mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí. 

Thế nhưng chúng ta cũng không nên đẩy tiền đầu tư công ra bằng mọi giá, mà cần sử dụng hiệu quả. Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan. 

Trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật. Bởi nếu cắt hết các quy trình, thủ tục thì dễ nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

- Để tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cần sớm dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công, ý ông thế nào?

Chúng ta phải đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán. Mỗi bước rút một chút thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi. Quốc hội đã có nhiều cố gắng theo hướng này. Các luật đang sửa như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Đất đai… đều hướng tới việc tăng cường quản lý nhưng đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục rườm rà không cần thiết.

- Nói về đầu tư công, thực tế có địa phương giải ngân rất tốt, nhưng có nơi như đầu tàu kinh tế TP.HCM lại rất chậm. Vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Về yếu tố chủ quan, việc nhanh hay chậm trong giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc năng lực quản lý, năng lực triển khai của người có trách nhiệm. Còn yếu tố khách quan, mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau. Với những địa phương không có vướng mắc gì, giải ngân vốn đầu tư công rất nhanh.

Còn với địa phương ‘tấc đất, tấc vàng’, nếu đền bù sai một ly sẽ dẫn tới khiếu kiện, quá trình thực hiện dự án phức tạp, khó khăn hơn. Thế nên khó có thể so sánh sự phức tạp giữa TP.HCM, Hà Nội với một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên.

- Trước thực trạng nêu trên, theo ông, có cần một nghị quyết của Quốc hội nhằm làm tan 'cục máu đông' trong đầu tư công hiện nay?

Quốc hội đã nhiều lần đề cập chủ trương, giải pháp đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Cụ thể như việc thí điểm tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án. Với một số dự án giao thông trọng điểm, chúng ta đã cho giải phóng cả khu quy hoạch mới đấu thầu sử dụng đất. Đây là các làm khác luật nên cần phải thí điểm, làm từng bước rồi tổng kết, đánh giá.