Theo nghiên cứu, khoảng 30% người từ 18-65 tuổi mắc các bệnh lý tuyến giáp. Tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi và phổ biến hơn ở nữ giới.

Do ít có biểu hiện rõ ràng nên khoảng 20-60% người mắc các bệnh tuyến giáp thường bị bỏ sót và không được chẩn đoán, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Hãy lưu ý 10 dấu hiệu khả nghi liên quan đến bệnh lý tuyến giáp:

- Thay đổi hình thể của cổ: Phía cổ trước đầy hoặc to hơn bình thường.

- Thay đổi về nuốt hay nói: Lâu dài gây ra tình trạng khó nói hoặc khàn tiếng hay nuốt nghẹn.

- Đau cơ khớp, yếu cơ, hay bị chuột rút: Đây là một trong những triệu chứng của suy tuyến giáp. Do thiếu hụt lượng hormone tuyến giáp sản xuất dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền thông tin từ thần kinh đến các cơ.

- Tóc xơ, da khô: Nếu thấy tóc xơ, giòn, dễ gãy hơn, da trở nên khô, dễ bong tróc, có thể bạn mắc các bệnh lý tuyến giáp do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp (thường là suy chức năng tuyến giáp).

- Kinh nguyệt không đều, có nguy cơ bị vô sinh: Bệnh lý tuyến giáp tác động tới chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên không đều hoặc thậm chí mất kinh, bạn có thể đã bị suy giáp. Nếu kỳ kinh không đều, thường thưa hoặc ít kinh thậm chí vô kinh, bạn có thể bị cường giáp. Nồng độ hormone bị biến đổi, ảnh hưởng khiến chu kỳ thay đổi. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới quá trình thụ tinh và sinh con trở nên khó khăn.

Phía cổ trước đầy hoặc to hơn bình thường có thể là dấu hiệu bệnh lý tuyến giáp. Nguồn: stock.adobe.com

- Giảm ham muốn: Bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng trực tiếp đến hormone. Vì thế, nếu bệnh lý tuyến giáp không được phát hiện sớm sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng ham muốn. Bệnh lý tuyến giáp đặc biệt có tác động tới quá trình sinh tinh, chu kỳ rụng trứng.

- Lượng cholesterol máu thay đổi: Tỷ lệ cholesterol trong máu thay đổi thất thường ở bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp. Lượng cholesterol trong máu tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các nguyên nhân gây ra tình trạng suy hoặc cường giáp tương ứng.

- Thay đổi thói quen đại tiện: Hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể trong đó có hệ tiêu hóa. Nếu bị táo bón thường xuyên có thể bạn đã mắc suy giáp. Nếu thường bị tiêu chảy và đau bụng có thể bạn đã mắc cường giáp.

- Huyết áp tăng: Tuyến giáp có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tim mạch. Do đó, huyết áp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.

- Mệt mỏi, trầm cảm và lo âu không lý do: Nếu không rõ lý do về tình trạng trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng và hoảng sợ; hoặc từng gặp dấu hiệu này nhưng chữa trị không khỏi, bạn nên sàng lọc bệnh lý tuyến giáp vì có khả năng bạn bị rối loạn hormone tuyến giáp.

Khi mắc các bệnh lý tuyến giáp, hormone bị suy giảm, gây ra tình trạng mệt mỏi. Cường giáp còn có thể gây ra mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Có mối liên quan đã được chứng minh giữa hoạt động của tuyến giáp và hệ thống điều hòa hormone serotonin - một loại hormone trong não bộ có tác dụng giúp cơ thể cảm thấy thoải mái. Do đó, khi tuyến giáp rối loạn chức năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống serotonin, khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản và mệt mỏi.

- Thay đổi cân nặng: Khi bị cường giáp, các hormone sản sinh liên tục, khiến bạn nạp năng lượng nhiều hơn bình thường nhưng cân nặng vẫn giảm. Khi bị suy giáp, cân nặng tăng bất thường dù bạn không có cảm giác muốn ăn hay không ăn. Vì thế, nếu cân nặng đột nhiên thay đổi thất thường hoặc đột nhiên thay đổi khẩu phần ăn, có thể bạn đã gặp các bệnh lý tuyến giáp.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hậu, khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội