Việt Nam là nước thứ 63 phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994 trước khi Công ước có hiệu lực và là nước có bộ luật biển toàn diện đầu tiên trong khu vực. Luật Biển là văn bản quy định đầy đủ nhất các vấn đề liên quan đến biển Việt Nam như: cách xác định, quy chế pháp lý các vùng biển của Việt Nam, vấn đề thực thi quyền tài phán trên biển, vấn đề phát triển kinh tế biển...
Việt Nam là một trong 30 nước có tỷ lệ chiều dài bờ biển/diện tích biển cao nhất trên thế giới. Với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, Việt Nam có cơ hội mở rộng vùng biển phù hợp với Công ước từ lục địa của mình ra khoảng 700.000km2, gấp đôi diện tích đất liền. Đây là chưa tính tới các vùng biển của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện bị tranh chấp và hồ sơ thềm lục địa mở rộng năm 2009 đang chờ Uỷ ban ranh giới thềm lục địa xem xét.
Vì vậy, luật Biển là công cụ hữu hiệu cho Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên Biển Đông.
Trở thành nước mạnh về biển
Luật Biển là cơ sở để Đảng và Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, kinh tế biển xứng đáng với tầm vóc pháp lý mà UNCLOS và luật Biển mang lại.
Đại hội Đảng lần thứ 4 năm 1976, khi Việt Nam mới tham dự vào tiến trình hội nghị Luật biển lần thứ 3 của LHQ, chỉ đề cập khiêm tốn tới xây dựng một nền kinh tế mới - kinh tế miền biển.
Đại hội lần thứ 6 của Đảng đã đưa nội dung của UNCLOS vào nghị quyết: “Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của kinh tế biển, phát triển kinh tế ở hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế”.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam có mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu, mạnh.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khoá 12 đã chuyển trọng tâm sang Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với các mục tiêu tổng quát: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.
Nghị quyết 09 định hướng mục tiêu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP và phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển theo thứ tự ưu tiên là: Khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Nghị quyết 36 xác định cụ thể hơn vai trò của kinh tế thuần biển và sự thay đổi trong chính sách ưu tiên phát triển kinh tế biển để phù hợp với điều kiện thực tế. Đó là: Phấn đấu đến 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP; Phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật biển
Luật biển là cơ sở để phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển phù hợp với UNCLOS. Về cơ bản, những quy định của luật khá phù hợp và tương thích với các quy định của UNCLOS.
Trên cơ sở UNCLOS và luật Biển 2012, Việt Nam công bố và điều chỉnh hàng loạt các luật chuyên ngành như: Bộ luật Hàng hải 1980 sửa đổi 2005; Luật Dầu khí 1993 sửa đổi 2000, 2008; Luật Bảo vệ môi trường 1993, sửa đổi 2014, 2020; Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Tài nguyên môi trường và hải đảo 2015; Luật Thủy sản 2003 sửa đổi 2017; Luật Du lịch 2005 sửa đổi 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Luật Dân quân tự vệ 2009... và một loạt văn kiện liên quan.
Luật Biển khuyến khích Việt Nam tham gia vào các Công ước quốc tế về biển. Việt Nam phê chuẩn Thỏa thuận về thi hành phần 11 của Công ước Luật biển ngày 27/4/2006 và là nước thứ 90 phê chuân Công ước về quản lý các đàn cá xuyên biên giới và các đàn cá di cư xa ngày 18/12/2018. Việt Nam hiện tham gia đàm phán Công ước về đa dạng sinh học nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, đồng thời tham gia xây dựng Công ước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Việt Nam và Na Uy đồng chủ toạ hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 12-13/5/2022 tại Hà Nội. Hội nghị đưa ra sáng kiến và kêu gọi xây dựng một thoả thuận quốc tế về đấu tranh chống rác thải nhựa. Nước ta đang đứng đầu thế giới về rác thải nhựa và thứ 5 về chịu tác động của mực nước biển dâng cao đang ngày càng tỏ rõ vai trò tích cực chủ động, có trách nhiệm trong các công việc biển của thế giới.
Song song với việc hoàn thiện hệ thống luật quản lý biển, Việt Nam cũng chú trọng thay đổi tổ chức bộ máy quản lý và lực lượng thực thi pháp luật trên biển phù hợp với UNCLOS và luật Biển 2012.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng lực lượng cảnh sát biển từ năm 1998. Sự ra đời của luật Biển 2012, luật Cảnh sát biển 2018, luật Bộ đội Biên phòng 2020 đã phân chia rõ ràng hơn chức năng của các lực lượng này trong quản lý vùng biển trước tình hình mới.
Bên cạnh Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, Việt Nam đã phục hồi lực lượng Kiểm ngư và dân quân tự vệ biển, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển.
Chủ trương này thể hiện tính đúng đắn trong phối hợp các lực lượng trên biển ngăn cản các hoạt động phi pháp của tàu thuyền và giàn khoan nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, đặc biệt trong các sự kiện dàn khoan HD 981 năm 2014 và tàu Địa chất hải dương 8 năm 2019 xâm phạm các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS.
Công cụ thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững
Luật Biển 2012 tiếp tục đặt nền móng cho giải quyết các tranh chấp biển từ phân định biển, tranh chấp nghề cá, hàng hải, nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp và ống dẫn ngầm đến các tranh chấp hoạt động biển khác.
Trước khi có luật, Việt Nam đã là nước thành công nhất trong khu vực giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất.
Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003; phương thức hợp tác cùng phát triển và hợp tác khai thác chung về nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ 2004, với Malaysia năm 1995, Campuchia năm 1982. Luật Biển 2012 là cơ sở thể hiện lập trường của ta trong tiếp tục đàm phán giải quyết phân định biển ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ hay phân định đặc quyền kinh tế với Indonesia.
Việt Nam ủng hộ quyền tài phán của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 và thể hiện sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp biển ở Biển Đông với các nước láng giềng. Các quy định và tinh thần của Công ước 1982 cũng như luật Biển 2012 được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng và thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Luật Biển đưa ra các nguyên tắc để Việt Nam mở rộng năng lực hợp tác trên biển với các đối tác nước ngoài từ nghiên cứu khoa học biển, đánh giá tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đến tổ chức các chuyến tuần tra chung trong vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan hay phối hợp trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang trên biển.
Việt Nam cũng nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn của mình, trợ giúp các nước bạn như vụ tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia bị mất tích 2014 hoặc cứu trợ 22 thủy thủ Philippines bị đâm chìm tại Trường Sa năm 2019. Ngược lại, Việt Nam được các nước trợ giúp trong tìm kiếm ngư dân tàu thuyền bị bão tại Biển Đông hay mất tích máy bay Su-30 và CASA năm 2016.
Năm 2021, với sáng kiến đồng tài trợ Đức - Việt Nam, câu lạc bộ các nước bạn bè của Công ước Luật biển ra đời, tăng cường sự hợp tác mạnh mẽ với các nước trong khu vực và thế giới để thực thi hiệu quả UNCLOS, góp phần bảo vệ môi trường biển hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.
10 năm không phải là quãng đường dài nhưng cũng đủ để luật Biển khẳng định vị thế của mình, cung cấp một khung pháp lý toàn diện cho việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam phù hợp với UNCLOS.
Luật biển 2012 là công cụ không thể thiếu trong xây dựng và thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam và hợp tác với các nước sử dụng hòa bình, hợp tác và bền vững các vùng biển, đại dương và tài nguyên biển.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao