Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT thông tin về hiện trạng phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. |
Trong định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã được Bộ TT&TT đưa ra, Bộ xác định rõ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và “Make in Vietnam” toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.
Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, ngày mai, 9/4/2019, tại Hà Nội, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.
Trong chia sẻ với các cơ quan truyền thông tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển của doanh nghiệp công nghệ nước nhà, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Tô Thị Thu Hương cho biết, theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2018, tổng số doanh nghiệp công nghệ ICT của Việt Nam là hơn 50.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ICT (không tính đến các doanh nghiệp cung cấp, phân phối) là 30.000 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phần cứng, phần mềm, nội dung số.
Trong năm 2018, tổng doanh thu của ngành công nghiệp ICT Việt Nam ước đạt 98,9 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 8%. Các lĩnh vực đều có sự gia tăng tốc độ phát triển cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2018, công nghiệp ICT cũng đã góp 50.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và tạo hơn 1 triệu việc làm.
“Con số 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 tôi nghĩ là con số rất tham vọng, song qua đánh giá, chúng tôi thấy rằng về tiềm lực cũng như tiềm năng phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.
Và với tiềm lực hiện nay của các doanh nghiệp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được các bài toán Việt Nam và gánh vác các trọng trách lớn như: nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị; dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”, bà Tô Thị Thu Hương tin tưởng.
Đại diện Vụ CNTT và lãnh đạo các doanh nghiệp VCCorp, Haravan đều tin tưởng rằng với tiềm lực hiện có, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được những bài toán Việt Nam và gánh vác các trọng trách lớn khác như dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia (Ảnh minh họa: Internet) |
Ở góc độ của doanh nghiệp, giải đáp thắc mắc về việc liệu các doanh nghiệp công nghệ nước nhà có gánh vác được trọng trách lớn như dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia hay không, ông Nguyễn Thế Tân, CEO Công ty VCCorp đã dẫn ra một số trường hợp tiêu biểu về các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Đơn cử như, trường hợp VinGroup đã phát triển VinSmart và VinFast, họ đã sản xuất được điện thoại, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô trong thời gian rất ngắn và đặc biệt là triển khai ứng dụng công nghệ 4.0, tự động hóa, với chỉ huy là người Việt và tiền cũng của người Việt.
Hay như trường hợp Viettel, cách đây nhiều năm Viettel là doanh nghiệp phải mua thiết bị mạng của nước ngoài và về triển khai tại Việt Nam, nhưng hiện nay tập đoàn này đã tự làm một phần thiết bị mạng 5G, tiến tới sẽ làm chủ hoàn toàn mạng 5G. Cần biết là, trên thế giới hiện nay cũng không có nhiều doanh nghiệp có thể làm được mạng 5G, đếm ra chỉ có 4 công ty Samsung, Huawei, Ericsson và Nokia.
Một trường hợp nữa, theo ông Tân, về sản xuất điện thoại, Bkav, VNPT… cũng làm được. “Be” cũng ra mắt cạnh tranh với Grab. Còn trong lĩnh vực nội dung số, dịch vụ trên mạng, VNG đã làm ra được mạng xã hội Zalo để cạnh tranh với nước ngoài, VCCorp cũng đã làm được các nền tảng phân phối nội dung, nền tảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến.
“Có thể thấy, chúng ta cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn. Nếu có kém thì doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ kém các doanh nghiệp của Mỹ, Trung Quốc một đoạn, không kém quá xa. Tài chính hiện nay cũng không phải là vấn đề quá khó, chỉ cần có sản phẩm hay là có thể thuyết phục được các nhà đầu tư góp vốn. Một vấn đề quan trọng nữa là nhân sự làm công nghệ thì cá nhân tôi cho rằng Việt Nam không hề thiếu”, ông Tân nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm với CEO VCCorp, ông Phạm Hải Văn - CEO Haravan khu vực miền Bắc cho hay: “Từ kinh nghiệm Haravan đi triển khai, hỗ trợ trực tiếp tại các doanh nghiệp tại Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin là với mảng công nghệ, với ngành công nghiệp 4.0, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi tại sân nhà của mình”.
Cũng theo chia sẻ của ông Hải Văn, việc ứng dụng các công nghệ trên thế giới vào Việt Nam không hề đơn giản. Bởi lẽ, trước tiên, bài toán về mô hình kinh doanh giữa Việt Nam và trên thế giới đã khác nhau. Cùng với đó, chi phí để ứng dụng các giải pháp công nghệ thế giới vào doanh nghiệp Việt Nam cũng là vấn đề không nhỏ, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Khi triển khai áp dụng công nghệ thế giới vào doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng chỉ những doanh nghiệp lớn có doanh thu rất lớn mới có thể tiếp nhận và sử dụng được các giải pháp công nghệ này. Bởi vì, chi phí để triển khai do việc áp dụng công nghệ thế giới vào Việt Nam lên tới hàng vài trăm ngàn USD thậm chí là cả triệu USD. Trong khi đó, với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, việc ứng dụng các giải pháp đó là không thể do không có kinh phí, không phù hợp”, ông Hải Văn phân tích.