Dự án "VADI – Trợ lý ảo dành cho lái xe" của nhóm sinh viên Viện CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 10 dự án được chọn vào thi Chung kết cuộc thi SWIS 2018 (Ảnh ứng dụng VADI trên kho ứng dụng Google. Nguồn ảnh: vtv.vn) |
Kết quả vòng Sơ khảo cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 (SWIS-2018) vừa được Bộ GD&ĐT chính thức công bố.
Theo đó, có 15 đội tuyển học sinh, sinh viên – tác giả của 15 dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất vòng Sơ khảo đã được Hội đồng giám khảo chọn vào đua tài trong vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” 2018 sẽ được tổ chức vào các ngày 15, 16/12/2018 tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
Cụ thể, đối với khối đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm, 10 dự án của học sinh, sinh viên các trường sẽ tham dự vòng chung kết SWIS 2018 gồm có: VADI – Trợ lý ảo dành cho lái xe (Đại học Bách khoa Hà Nội); Finbox – Cố vấn đầu tư 4.0 (Đại học Ngoại Thương); Chitoson - Sản xuất quần lót từ tre có xử lý kháng khuẩn chitosan (Đại học Kinh tế Quốc dân); SHUB – Hệ sinh thái hỗ trợ phát triển môi trường giáo dục (Đại học Quốc gia TP.HCM); Leafpic-Pro phần mềm xác định thiếu thừa đạm trên cây trồng cho smartphone (Đại học Huế);
Nuôi tạo và sử dụng Polyme vi sinh vật làm vật liệu tự hủy trong y tế (Đại học Mỏ Địa chất); Hilingo – Phần mềm hỗ trợ tự học tiếng Trung (Đại học Sư phạm TP.HCM); Mô hình chăn nuôi cá tra sử dụng bằng thảo dược tại Vĩnh Long (Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long); Cao nguyên đá nở hoa (Đại học Dược Hà Nội); Inut Platform – Hệ sinh thái kết nối vạn vật (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Với khối học sinh THPT, 5 ý tưởng, dự án của học sinh THPT có tính khả thi cao nhất đã được Hội đồng giám khảo lựa chọn vào vòng thi chung kết cuộc thi SWIS 2018 gồm có: Sản xuất cao điều trị bỏng của học sinh trường THPT Phúc Trạch, tỉnh Hà Tĩnh; Sản xuất, phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống của học sinh trường THPT Chu Văn An, tỉnh Lâm Đồng; Robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng của học sinh trường THPT Thống Nhất A, tỉnh Đồng Nai; dự án Nano Rutin của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, TP. Hà Nội; và dự án đồ lưu niệm từ đá núi lửa, rơm rạ, thổ cẩm của học sinh trường THPT Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học có dự án khởi nghiệp của sinh viên lọt vào vòng thi chung kết cuộc thi SWIS 2018 giao các Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của trường tiếp tục hỗ trợ sinh viên hoàn thiện sản phẩm mẫu để giới thiệu, trưng bày tại các không gian khởi nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 15, 16/12/2018.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng được đề nghị hỗ trợ sinh viên chuẩn bị bài thuyết trình, đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, tạo sứ thuyết phục với Ban giám khảo; hoặc liên hệ với ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT để nhận sự hỗ trợ.
Các Sở GD&ĐT có các đội/nhóm học sinh vào chung kết cuộc thi SWIS 2018 được đề nghị liên hệ với bà Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc điều hành tổ chức JA Việt Nam để nhận thông tin hỗ trợ hoàn thiện các dự án, mô hình kinh doanh và các hỗ trợ kĩ thuật khác.
Theo thể lệ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” 2018 được Bộ GD&ĐT ban hành vào trung tuần tháng 9/2018, trong vòng chung kết tổ chức tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 diễn ra vào các ngày 15, 16/12/2018, Ban giám khảo sẽ xem xét, đánh giá bài thuyết trình và khả năng trả lời câu hỏi của đại diện đội dự thi. Kết quả điểm số cuối cùng của đội dự thi là điểm số trung bình của các thành viên trong Ban giám khảo và điểm số trung bình của đại diện các doanh nghiệp được mời tham dự đánh giá.
Trong thông báo công bố kết quả vòng sơ khảo cuộc thi SWIS 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã cho biết, thời gian dành cho các đội/nhóm học sinh, sinh viên trình bày tại vòng thi chung kết là 10 phút và thời gian trả lời của Ban giám khảo là 15 phút.
Về giải thưởng cuộc thi SWIS-2018, thể lệ cuộc thi quy định, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm có dự án tham dự cuộc thi đoạt giải Nhất sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, không gian chung (Co-Working Space) trong các nhà trường.
Về giải thưởng cá nhân dành cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, Ban tổ chức dự kiến sẽ chọn, trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 4 giải Ba. Trong đó, cơ cấu giải thưởng cho các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo gồm 1 giải Nhất (Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; tiền thưởng 100 triệu đồng, được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư); 2 giải Nhì (mỗi giải là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tiền thưởng 70 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tiền thưởng 50 triệu đồng).
Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THPT, 3 giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được trao cho các dự án xuất sắc nhất. Theo đó, ngoài Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các dự án khởi nghiệp của học sinh THPT đạt giải Nhất, Nhì, Ba còn nhận được tiền thưởng có giá trị lần lượt là 50 triệu đồng, 30 triệu đồng và 15 triệu đồng.
Ngoài ra, tất cả các dự án khởi nghiệp đoạt giải tại cuộc thi SWIS 2018 được công nhận bản quyền thuộc về nhóm tác giả đăng ký tham dự cuộc thi.