Hội thảo “Phát triển xuất khẩu trực tuyến” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại Hà Nội chiều 16/12/2024, nhằm mang lại góc nhìn toàn cảnh về thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm qua, cũng như cập nhật những định hướng chính sách, phác thảo đề xuất giải pháp mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt.

Anh toan canh hoi thao.jpg
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác của VECOM chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác của VECOM đánh giá: Việt Nam chuẩn bị bước qua giai đoạn khởi động của xuất khẩu trực tuyến. Năm 2025 là năm bản lề để từ năm 2026 xuất khẩu trực tuyến bước sang giai đoạn mới – giai đoạn cất cánh. 

Cũng theo ông Tâm, điều kiện đầu tiên để có thể chuyển sang giai đoạn cất cánh là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cần chủ động đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, có năng lực sáng tạo phát triển sản phẩm độc đáo và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trực tuyến ở nước ngoài. 

Bên cạnh việc xây dựng website hay ứng dụng di động của riêng mình, các MSME nên khai thác lợi thế từ các nền tảng xuất khẩu trực tuyến có uy tín trên thế giới để nhanh chóng tiếp cận thị trường toàn cầu. 

Điều kiện thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số, logistics, hải quan cần nắm bắt xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này, coi xuất khẩu trực tuyến là một phần quan trọng của thương mại điện tử và đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể, hỗ trợ hiệu quả các MSME xuất khẩu trực tuyến. 

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất triển khai các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến trong Kế hoạch tổng thế Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030; đưa vào vận hành Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử…

Bà Nguyễn Thúy Anh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. 

Dự thảo đã đề xuất đưa xuất khẩu trực tuyến là một bộ phận quan trọng của phát triển thương mại điện tử với các mục tiêu, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp MSME xuất khẩu trực tuyến. 

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ thông tin về dự án Vietnam Digital Trade (Thương mại số Việt Nam). Đây là sáng kiến hợp tác giữa Bộ Công Thương với USAID nhằm thúc đẩy thương mại số tại Việt Nam. Mục tiêu nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các khung chính sách phù hợp để thúc đẩy thương mại số. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thương mại số thông qua việc giới thiệu các mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy kết nối xuyên biên giới.