Diễn đàn Kết nối và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) với chủ đề “TMĐT xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam” vừa được Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.

Ba Le Hoang Oanh.jpg
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cập nhật thông tin về bối cảnh và định hướng phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Cập nhật thông tin về bối cảnh và định hướng phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết: TMĐT xuyên biên giới đã trở thành xu hướng tất yếu, năm 2023 đạt khoảng 2.300 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu là 26,2%/năm, đến 2030 dự kiến khoảng 8.000 tỷ USD.

Năm 2023, quy mô TMĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD; quy mô nền kinh tế số khoảng 30 tỷ USD, nằm trong Top 3 Đông Nam Á, dự kiến đến 2025 sẽ đạt khoảng 45 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận TMĐT là phương thức hữu hiệu để có thể đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Khẳng định “TMĐT xuyên biên giới được coi là “đòn bẩy” vô cùng quan trọng cho việc xuất khẩu trực tuyến”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh dẫn báo cáo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2023 cho thấy, 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn TMĐT, 47% có sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Khoảng 60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới chiếm khoảng 10 – 30% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Những thị trường phổ biến mà doanh nghiệp sử dụng kênh TMĐT để xuất khẩu trực tuyến gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Theo bà Oanh, TMĐT xuyên biên giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh số tăng vọt trong thời gian ngắn; Công cụ giúp tìm kiếm thị trường ngách, thị trường tiềm năng nhanh hơn; Nhanh chóng nắm bắt ý kiến phản hồi của khách hàng để kịp thời cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; Giải quyết bài toán thời vụ…

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu; Bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài qua TMĐT; Giữ chi phí logistics thấp và giao hàng đúng hạn; Khó nắm vững quy định luật pháp của thị trường đích; Rào cản ngôn ngữ…

Thời gian tới, Bộ Công Thương, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh phát triển TMĐT xuyên biên giới xanh, bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TMĐT xuyên biên giới (xây dựng luật chuyên ngành về TMĐT hoặc các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT…); Tăng cường quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu TMĐT qua kênh chuyển phát nhanh; Kết nối khai báo thuế cho TMĐT xuyên biên giới…

“Bộ Công Thương đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu xây dựng Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến EcomEX, không chỉ liên quan đào tạo, tập huấn, kết nối dữ liệu, mà còn kết nối cả doanh nghiệp logistics, vận chuyển, thanh toán, ngân hàng… Mong các doanh nghiệp ủng hộ”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh chia sẻ.

Chiều cùng ngày đã diễn ra Tọa đàm “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là một số chuyên gia, nhà quản lý đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc.